Vì sao giải ngân vốn chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc đạt thấp?

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) từ năm 2022 đến nay hơn 1.118 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6/2024, toàn tỉnh mới giải ngân trên 86 tỷ đồng, đạt 7,72% kế hoạch. Hòa Bình là địa phương nằm trong tốp các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước đối với chương trình này.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) từ năm 2022 đến nay hơn 1.118 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6/2024, toàn tỉnh mới giải ngân trên 86 tỷ đồng, đạt 7,72% kế hoạch. Hòa Bình là địa phương nằm trong tốp các tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước đối với chương trình này.

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra tiến độ công trình sửa chữa phòng học, nhà công vụ Trường TH&THCS Cun Pheo (Mai Châu) sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra tiến độ công trình sửa chữa phòng học, nhà công vụ Trường TH&THCS Cun Pheo (Mai Châu) sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai dự án

Trao đổi về tiến độ giải ngân vốn CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, đồng chí Đinh Duy Chuyên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Công tác lập, giao kế hoạch nguồn vốn đã được Ban Dân tộc phối hợp các sở, ngành chức năng triển khai kịp thời, đúng tiến độ. Tuy nhiên, cả vốn chuyển nguồn năm 2022, 2023 và vốn năm 2024 đều đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nguyên nhân do một số dự án chuyển tiếp trong quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc; việc hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án, danh mục đầu tư mới năm 2024 chậm dẫn đến chậm triển khai và chậm tiến độ giải ngân vốn.

Thực tế, nhiều dự án sử dụng vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển nguồn năm 2022, 2023 gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Tại huyện Đà Bắc, tính đến ngày 30/6/2024, tỷ lệ giải ngân vốn CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN là 0%, bao gồm cả nguồn vốn kéo dài năm 2022, 2023. Đồng chí Bàn Kim Quy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Tổng vốn kéo dài năm 2022, 2023 chuyển sang và vốn giao năm 2024 đối với huyện trên 185 tỷ đồng. Nguồn vốn được huyện thực hiện 2 dự án ổn định dân cư tại xóm Duốc, xã Nánh Nghê và tại khu Lũng Phiệng, xóm Mới, xã Đồng Chum. Hiện, khu dân cư xóm Duốc đã xong hạng mục san nền, khu dân cư tập trung Lũng Phiệng đã phê duyệt các hộ, đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, huyện đang hoàn thiện thủ tục đầu tư 25 công trình hạ tầng. Đối với nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện thực hiện hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn, tuy nhiên, do trên địa bàn xảy ra dịch tả lợn châu Phi, có 5 xã xin thay đổi nội dung dự án hỗ trợ chăn nuôi lợn, vì vậy chưa thể giải ngân nguồn vốn này. Về nguồn vốn sự nghiệp, huyện được phân bổ 23,5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay đã lập hồ sơ thẩm định 2 dự án phát triển chuỗi giá trị, nhưng đang phải chỉnh sửa cho phù hợp thực tế.

Cũng như Đà Bắc, tại các huyện, nhiều dự án hỗ trợ từ nguồn vốn phân bổ năm 2022, 2023 gặp nhiều vướng mắc buộc phải điều chỉnh nguồn vốn. Cụ thể, tại huyện Mai Châu, công trình đường liên xã từ xóm Trà Đáy, xã Thành Sơn đi xóm Mý, xã Vân Sơn (Tân Lạc), tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng, năm 2022, 2023 kế hoạch giao 10,2 tỷ đồng. Đến nay chưa thực hiện giải ngân do công trình có diện tích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng tự nhiên chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ban Dân tộc tỉnh đang trình UBND tỉnh thực hiện quy trình dừng dự án và điều chỉnh nguồn vốn đã giao. Tại huyện Tân Lạc, dự án ổn định dân cư tại xã Vân Sơn tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng, giao kế hoạch năm 2023 là 5 tỷ đồng, chưa thực hiện giải ngân vì tiếp tục phải điều chỉnh quy hoạch do có một số diện tích đất vườn không nằm trong quy hoạch...

Lúng túng trong khâu chuẩn bị đầu tư

Cùng với việc phải điều chỉnh nguồn vốn các dự án chuyển nguồn năm 2022, 2023 do không thể triển khai, các địa phương tỏ ra lúng túng trong việc thực hiện thủ tục đầu tư nguồn vốn kế hoạch năm 2024. Theo Ban Dân tộc tỉnh, 10/10 huyện, thành phố có văn bản xin thống nhất với cơ quan chủ quản chương trình về phân bổ chi tiết vốn kế hoạch năm 2024 đối với các danh mục, công trình, dự án đã đủ điều kiện. Tuy vậy, hiện vẫn còn một số huyện có các danh mục công trình đang điều chỉnh, hoặc dự án chưa xin ý kiến thống nhất. Cá biệt, huyện Tân Lạc đã phải điều chỉnh danh mục dự án đầu tư sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết về việc chi ngân sách nhà nước thực hiện dự án thuộc các CTMTQG, giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Điều này dẫn đến việc phân bổ nguồn vốn chi tiết cho từng dự án tại huyện Tân Lạc chậm so với kế hoạch.

Lúng túng trong thực hiện các thủ tục đầu tư, các địa phương cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong khâu thẩm định, phê duyệt hồ sơ thủ tục đầu tư. Đồng chí Bùi Quang Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi nhìn nhận: Hiện huyện thực hiện đồng thời 3 CTMTQG, việc thẩm định hồ sơ, báo cáo kỹ thuật chủ yếu do Phòng Kinh tế - Hạ tầng thực hiện. Trong khi đó, còn nhiều dự án khác triển khai, vì vậy không tránh khỏi kéo dài thời gian trong quá trình thẩm định. Mặt khác, nhiều danh mục phải chỉnh sửa, bổ sung dẫn đến khâu phối hợp mất nhiều thời gian.

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 605 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, yêu cầu tháng 9/2024, tỉnh phải hoàn thành giải ngân 70% vốn đầu tư công, đến cuối tháng 1/2025 hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn CTMTQG. Với thực tế hiện nay, để hoàn thành kế hoạch Tỉnh ủy đề ra đòi hỏi cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc, chỉ đạo một cách sát sao, quyết liệt.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong từng nhiệm vụ cụ thể, duy trì chế độ giao ban hỗ trợ để tháo gỡ kịp thời vướng mắc đối với từng dự án. Khẩn trương hoàn thành thủ tục đối với các dự án hiện đang làm thủ tục điều chỉnh dự án, giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án; yêu cầu các xã làm chủ đầu tư phải ký cam kết giải ngân đảm bảo theo đúng kế hoạch. Rà soát, đánh giá các danh mục công trình, dự án không đảm bảo tiến độ, khối lượng để kịp thời điều chỉnh sang các danh mục công trình, dự án khác đảm bảo thực hiện giải ngân vốn. Khẩn trương thành lập các tổ công tác, xây dựng chương trình cụ thể về thời gian để hướng dẫn các xã, đơn vị thực hiện, kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc...

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/191759/vi-sao-giai-ngan-von-chuong-trinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-dat-thap.htm