Vì sao Gruzia bất ngờ quay lại mua khí đốt Nga sau 18 năm?

Sau gần hai thập kỷ cắt đứt, Gruzia bất ngờ tăng mạnh nhập khẩu khí đốt từ Nga, vượt cả số khí đốt mua từ Azerbaijan. Đây là động thái gây bất ngờ giữa bối cảnh địa chính trị khu vực phức tạp.

Nhà máy lọc dầu Orenburg của Tập đoàn Gazprom ở tỉnh Orenburg, Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN

Nhà máy lọc dầu Orenburg của Tập đoàn Gazprom ở tỉnh Orenburg, Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo cổng phân tích thông tin News.Az của Azerbaijan ngày 10/5, sau gần hai thập kỷ gián đoạn, cán cân năng lượng ở Gruzia đang chứng kiến một sự thay đổi đáng chú ý. Dựa trên số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Gruzia, lần đầu tiên kể từ năm 2007, lượng khí đốt Gruzia nhập khẩu từ Nga trong quý đầu tiên của năm 2025 đã vượt qua nguồn cung từ Azerbaijan. Cụ thể, giá trị khí đốt Nga đạt 100,6 triệu đô la Mỹ, so với 82,4 triệu USD từ quốc gia láng giềng phía Nam. Sự kiện này không chỉ đơn thuần là một con số kinh tế mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về động lực, bối cảnh và những tác động tiềm ẩn đối với khu vực.

Để làm sáng tỏ sự thay đổi mang tính bước ngoặt này, News.Az đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Stanislav Tkachenko, chuyên gia kinh tế năng lượng có nhiều năm nghiên cứu tại Đại học St. Petersburg. Ông Tkachenko chỉ ra rằng sự gia tăng nhập khẩu khí đốt Nga là kết quả của một loạt các yếu tố thị trường khách quan đã hình thành trong những năm gần đây.

Một trong những yếu tố then chốt nằm ở sự khác biệt trong cơ chế giá và điều khoản hợp đồng giữa khí đốt Nga và Azerbaijan. Tiến sĩ Tkachenko giải thích: "Khí đốt Azerbaijan thường được cung cấp theo các hợp đồng dài hạn với giá cố định hoặc công thức định giá liên quan đến chi phí của các nguồn năng lượng thay thế. Ngược lại, khí đốt Nga chủ yếu được giao dịch trên thị trường giao ngay, phản ánh sát sao cung và cầu thực tế. Trong bối cảnh hiện tại, giá giao ngay của khí đốt Nga đang có lợi thế cạnh tranh hơn so với giá theo hợp đồng dài hạn của Azerbaijan".

Bên cạnh đó, cơ cấu người tiêu dùng và nhu cầu theo mùa cũng đóng một vai trò quan trọng. Khí đốt Azerbaijan chủ yếu phục vụ các công ty điện nhà nước cho mục đích sưởi ấm và phát điện. Trong khi đó, khí đốt Nga lại được các doanh nghiệp tư nhân sử dụng trong các quy trình công nghiệp, trạm tiếp nhiên liệu và hộ gia đình. Nhu cầu của các nhóm này có sự khác biệt rõ rệt theo mùa. Vào những tháng mùa đông, nhu cầu khí đốt Nga tăng cao, kéo theo gia tăng về khối lượng nhập khẩu và chi phí.

Một yếu tố mang tính chiến lược hơn nằm ở thay đổi trong bức tranh năng lượng khu vực. Thị trường chính của Azerbaijan là châu Âu, nơi các khách hàng có sức mua lớn và phần lớn sản lượng đã được cam kết theo các thỏa thuận dài hạn. Điều này hạn chế khả năng của Baku trong tăng cường đáng kể nguồn cung cho Gruzia. Ngược lại, Nga, sau khi mất đi phần lớn thị trường châu Âu, đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa khí đốt và tích cực tìm kiếm các thị trường mới, trong đó Gruzia nổi lên như một điểm đến tiềm năng.

Ông Tkachenko chỉ ra rằng, sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau Đại dịch COVID-19, nền kinh tế Gruzia đang trên đà tăng trưởng ấn tượng. GDP năm 2024 tăng trưởng kỷ lục 9,4% và dự kiến có thể đạt 10% vào cuối năm 2025. Để duy trì đà tăng trưởng này, nhu cầu năng lượng của Gruzia, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, đang tăng lên đáng kể. Khí đốt được xem là một nguồn năng lượng sạch hơn so với than đá và dầu đốt. Gruzia đang tích cực đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện khí đốt mới cũng như mở rộng mạng lưới khí đốt quốc gia.

Trong bối cảnh 99% lượng khí đốt nhập khẩu của Gruzia phụ thuộc vào Azerbaijan và Nga, việc Azerbaijan gặp hạn chế trong việc tăng nguồn cung đã buộc Tbilisi phải tìm đến Moskva để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong ít nhất ba đến bốn năm tới.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-gruzia-bat-ngo-quay-lai-mua-khi-dot-nga-sau-18-nam-20250511131109764.htm