Vì sao hàng loạt thương hiệu rút quảng cáo khỏi Twitter
Elon Musk trở thành ông chủ của Twitter đã gây ra rất nhiều thay đổi lớn, khiến các doanh nghiệp lo lắng về tính ổn định của tệp khách hàng mà họ đã mất công gây dựng.
Mới đây, các thương hiệu xe nổi tiếng là General Motors và Ford lần lượt thông báo sẽ ngừng quảng cáo trên Twitter, nhưng vẫn sẽ dùng nền tảng này để tương tác với khách hàng. Lý do được các thương hiệu đưa ra chính là Twitter hiện đã thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk và họ cần thời gian để “đánh giá hướng đi của mạng xã hội này dưới quyền sở hữu mới".
"Chúng tôi đang liên lạc với Twitter để hiểu thêm về hướng đi của họ khi có lãnh đạo mới. Khi các nền tảng truyền thông khác có sự thay đổi lớn, chúng tôi sẽ tạm ngừng quảng cáo", General Motors thông báo với truyền thông.
Kể từ khi tiếp quản Twitter vào ngày 27/10, Elon Musk đã bị chỉ trích vì gây ra rất nhiều sự thay đổi, trái với lối đi từ trước tới nay của nền tảng này. Và các thương hiệu thì không mong muốn một tương lai bất ổn như vậy, nhất là khi họ đã bỏ rất nhiều tiền để xây dựng tệp khách hàng riêng của họ.
Tương lai “xa lạ” của Twitter
Ngày 5/10, Elon Musk đã tweet rằng: "Mua Twitter là một cách thúc đẩy việc tạo dựng X, một siêu ứng dụng dành cho mọi thứ" và cho biết Twitter đẩy nhanh quá trình 3-5 năm, hoặc lâu hơn thế nếu như dự đoán của ông có sai sót.
"Hãy nghĩ về nó giống như WeChat ở Trung Quốc, hiện tại rất tuyệt, nhưng không có ứng dụng nào tương đương WeChat ở bên ngoài nước này", Musk cho hay.
Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với các nhân viên Twitter vào tháng 6, Elon Musk cũng bày tỏ tham vọng biến mạng xã hội này trở thành siêu ứng dụng phổ biến, tương tự vị thế của WeChat tại Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, sức ảnh hưởng của WeChat lan rộng trong mọi hoạt động đời sống người dân, bao trùm các dịch vụ từ nhắn tin, gọi video, chơi game, chia sẻ chuyến đi, giao đồ ăn, thanh toán ngân hàng, mua sắm...
Có thể thấy, định hướng mới của Elon Musk cho mạng xã hội Twitter lại đang hướng về việc liên kết và phục vụ các nhu cầu đại trà của người dùng nhiều hơn. Và điều này dường như không giống với con đường mà Twitter đang làm từ trước tới nay.
Sự khác biệt của các nền tảng
Có một thực tế là không phải quảng cáo nào trên các nền tảng mạng xã hội cũng giống nhau, rõ ràng nhất chính là Facebook và Twitter. Nguyên nhân đến từ tệp khách hàng sử dụng nền tảng này.
Đối với kênh truyền thông như Facebook thì khá giống so với các phương tiện truyền thông đại chúng, với đặc điểm là lượng người dùng phổ thông rất đông, nên quảng cáo trên Facebook sẽ mang tính đại trà. Đa số quảng cáo sẽ là các vật dụng liên quan đến đời sống như đồ gia dụng, quần áo, đồ ăn, du lịch, game... vì việc kết nối với hàng nghìn người cùng lúc rất đơn giản.
Twitter thì lại có rất nhiều điểm khác biệt. Từ trước tới nay, Twitter vốn được biết đến là kênh truyền thông và nơi phát ngôn của nhiều người nổi tiếng và tầm cỡ trong giới chính trị, thể thao, công nghệ, tài chính...
Có thể nói, mạng xã hội Twitter ít mang tính kết nối người dùng với người dùng hơn Facebook, mà mang tính theo dõi, học tập và lấy thông tin là chủ yếu. Minh chứng là theo kết quả khảo sát của Pew Research, 53% người dùng Twitter ở Mỹ truy cập để xem tin tức, với Facebook là 44%, 37% từ Reddit và 30% trên YouTube.
Vì vậy, quảng cáo trên Twitter thường hướng đến một tệp khách hàng nhất định đã được định vị trước. Sản phẩm cũng sẽ có các đặc tính như cá nhân hóa, riêng tư và đắt tiền hơn, hàng hiệu và xe hơi là một ví dụ điển hình.
Chính sự khác biệt này mà các hãng sẽ phải xây dựng chiến lược quảng cáo riêng cho mỗi nền tảng mà họ sử dụng, và lo lắng của General Motors và Ford không phải là không có cơ sở.
Các thương hiệu sẽ ngừng xuống tiền
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn trong việc chi tiền cho quảng cáo. 29% doanh nghiệp trên toàn cầu đang có kế hoạch giảm chi tiêu quảng cáo vào năm 2023, 40% dự định duy trì ngân sách bằng với mức của năm 2022, theo khảo sát từ liên đoàn các nhà quảng cáo thế giới WFA.
74% số doanh nghiệp “đồng ý” hoặc “đồng ý mạnh mẽ” rằng ngân sách năm 2023 đang được giám sát chặt chẽ hơn, đòi hỏi phòng marketing phải giải trình kỹ càng hơn với từng khoản đầu tư.
Việc thay đổi cấu trúc lớn của Twitter sẽ khiến nhiều doanh nghiệp như General Motors và Ford ngừng quảng cáo đến khi họ xác định được tệp khách hàng của họ trong tương lai sẽ ra sao.
Dan Ives, phân tích viên tại Wedbush Securities nhận định: "Đây chính là dấu hiệu đã được dự báo trước. General Motors là công ty đầu tiên và sẽ không phải là cuối cùng.”
“Quảng cáo đóng góp tới 92% doanh thu cho Twitter trong quý II. Nếu các doanh nghiệp xa lánh Twitter vì mạng xã hội này đổi chủ, đây sẽ là thảm họa với Twitter”, Dan Ives cho hay.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-cac-thuong-hieu-rut-quang-cao-khoi-twitter-post1370815.html