Vì sao hiệu trưởng, giáo viên đều tích cực viết sáng kiến kinh nghiệm?

Lãnh đạo, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường luôn ưu tiên cho phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm mà không cần phải động viên, khích lệ gì.

Ngoài giảng dạy theo định mức số tiết đã được quy định thì hằng năm ngành giáo dục các địa phương luôn phát động, tổ chức, thực hiện vô vàn các cuộc thi, hội thi, nhiệm vụ chuyên môn khác.

Thế nhưng, trái ngược với việc phát động hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; ôn thi học sinh giỏi; thao giảng chuyên đề cấp huyện cấp tỉnh phải năn nỉ ỉ ôi giáo viên tham gia, thực hiện vẫn gặp khó khăn. Vì nhiều người tìm cách né tránh.

Ngược lại, việc viết sáng kiến kinh nghiệm chỉ cần phát động, chẳng cần động viên thì tổ chuyên môn nào, trường nào cũng tham gia nhiệt tình.

Có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở

Các các phong trào thi đua, hội thi hiện nay ở ngành giáo dục có lẽ việc viết sáng kiến kinh nghiệm là nhẹ nhàng nhất, ít áp lực nhất nhưng lại có ưu thế nhất trong đánh giá, xếp loại viên chức và xét thi đua cuối năm.

Nếu như ôn thi học sinh giỏi, giáo viên và học sinh phải dạy và học miệt mài đằng đẳng 6,7 tháng trời mà nhiều khi thầy trò trắng tay vì các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh lấy theo tỉ lệ khoảng trên dưới 30% tổng số thí sinh dự thi.

Thi giáo viên chủ nhiệm; giáo viên dạy giỏi các cấp huyện, cấp tỉnh liên quan đến viết báo cáo giải phát và thực hành 1 tiết mà giám khảo ở đơn vị khác nên cũng khá áp lực. Những giáo viên yếu tâm lí thường ngại, không dám dự thi.

Thực hiện thao giảng chuyên đề thì phải chuẩn bị trước nhiều ngày, ngày dự có mấy chục giáo viên đơn vị khác tham gia dự giờ, rồi góp ý nên mỗi lần thao giảng là tổ trưởng chuyên môn rất mệt mỏi khi phân công, động viên giáo viên đứng lớp thao giảng…

Suy cho cùng, những phòng trào và hoạt động trên vất vả, quyền lợi ít và liên quan đến nhiều người nên cũng nhiều thị phi, áp lực nên giáo viên ít tham gia, hoặc miễn cưỡng, bắt buộc phải làm, phải tham gia.

Trong khi đó, viết 1 sáng kiến kinh nghiệm đơn giản hơn rất nhiều. Giáo viên có thể viết, có thể mua, có thể xin của một giáo viên ở địa phương khác, thậm chí tải trên mạng internet rồi sửa tên, sửa đơn vị là thành sản phẩm của mình nộp cho nhà trường gửi lên cấp trên chấm.

Không đậu sáng kiến kinh nghiệm cũng chẳng ai trong đơn vị biết nội dung mình viết gì và cũng chẳng có ai bàn tán, chê bai. Nhưng, nếu đậu thì đương nhiên sẽ có rất nhiều quyền lợi đi kèm.

Khi xét viên chức sẽ được ưu ái hơn các phong trào khác. Đặc biệt, theo hướng dẫn của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thì những giáo viên đạt giải sáng kiến gần như đã đương nhiên được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Cụ thể, theo hướng dẫn tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng quy định: “Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Vì thế, lãnh đạo, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường luôn ưu tiên cho phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm. Trường nào cũng viết nhiều và đương nhiên Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn không cần phải động viên, khích lệ gì.

Những quyền lợi khi giáo viên đạt giải sáng kiến kinh nghiệm

Trong các danh hiệu thi đua; hình thức thi đua; danh hiệu nhà giáo…hiện nay đều có tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm nên việc lãnh đạo, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường đua nhau viết sáng kiến kinh nghiệm là điều dễ hiểu.

Trước đây, việc chấm sáng kiến kinh nghiệm còn phân ra các mức A, B, C nhưng những năm gần đây chỉ quy về một mức “Đạt” nên ai đạt giải sáng kiến kinh nghiệm cũng giống nhau, cũng có quyền lợi như nhau.

Có sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là đương nhiên được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua (nếu không bị kỉ luật); có danh hiệu Chiến sĩ thi đua thì mức thưởng cũng cao gấp 3 lần danh hiệu Lao động tiên tiến.

Điều quan trọng là đủ điều kiện để xét nâng lương trước thời hạn- khi đến chu kỳ nâng lương. Chỉ cần được nâng trước 6 tháng trước hạn thì mỗi tháng giáo viên cũng có thêm hàng triệu đồng.

Nhiều lần đậu sáng kiến kinh nghiệm thì ngoài danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở còn được xét các danh hiệu cao hơn như danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và các hình thức thi đua như: Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Nhiều lãnh đạo nhà trường được khen thưởng nhiều danh hiệu, hình thức thi đua cũng từ viết sáng kiến kinh nghiệm mà được vì có mấy quản lý nhà trường thi giáo viên dạy giỏi; bồi dưỡng học sinh giỏi hay đứng ra thao giảng, báo cáo chuyên đề…

Nếu như trước đây, khi chưa thực hiện xét thi đua theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thì tỉ lệ xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua bị khống chế không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.

Nhưng, năm học 2023-2024 vừa qua- năm đầu tiên thực hiện xét thi đua theo Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thì số lượng lãnh đạo, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua tăng lên rất nhiều.

Đơn vị người viết bài đang công tác, có đến 1/3 viên chức đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trong năm học vừa qua và trong số này, có một phần lớn viên chức đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện. Vì thế, việc lãnh đạo, giáo viên, nhân viên ở các nhà trường nhiệt tình trong phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm cũng là điều dễ hiểu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-hieu-truong-giao-vien-deu-tich-cuc-viet-sang-kien-kinh-nghiem-post247296.gd