Vì sao Israel bất ngờ ném bom quân đội Syria?

Đụng độ giữa quân đội chính phủ Syria và cộng đồng người thiểu số Druze miền nam nước này đã dẫn đến loạt không kích bất ngờ từ Israel.

Khói bốc lên gần thành phố Suwayda, miền nam Syria vào ngày 15/7/2025. Ảnh: CNN/Getty Images.

Nguồn gốc căng thẳng

Cuối tuần qua, các vụ đụng độ bùng phát giữa dân quân Druze và các bộ tộc Bedouin ở thành phố Suwayda, miền nam Syria, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Chính phủ Syria sau đó điều quân đội can thiệp và xác nhận mất 18 binh sĩ trong giao tranh.

VIệc các phe phái Hồi giáo theo đường lối cứng rắn, được chính phủ Syria hậu thuẫn, xuất hiện trong cuộc đụng độ đã khiến cộng đồng Druze lo ngại.

Hưởng ứng lời kêu gọi của người Druze, quân đội Israel hôm 15/7 tuyên bố không kích một số phương tiện quân sự của lực lượng chính phủ Syria tiến về Suwayda – thành trì của người Druze và cũng là thủ phủ của tỉnh cùng tên.

Tel Aviv cho biết hành động này nhằm “bảo vệ cộng đồng Druze” tại Syria – lực lượng mà Israel xem là đồng minh thân cận do mối liên hệ lịch sử của họ với người Druze sinh sống trong lãnh thổ Israel.

Syria xác nhận “các thành viên lực lượng an ninh và dân thường” thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel nhưng không công bố con số cụ thể.

Chính phủ Syria cũng lên án cuộc không kích, gọi đây là “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền” và “một ví dụ đáng tiếc về việc nước ngoài can thiệp".

Bất đồng giữa người Druze và chính phủ lâm thời Syria

Theo CNN, người Druze là cộng đồng thiểu số có khoảng 1 triệu người, chủ yếu sinh sống ở Syria. Họ theo một nhánh Hồi giáo khép kín, không cho phép cải đạo hay hôn nhân với người ngoài.

Đa số cộng đồng người Druze sinh sống ở tỉnh Suwayda, miền nam Syria. Họ duy trì lực lượng dân quân riêng, không hoàn toàn trung thành với chính phủ lâm thời Syria.

Trong bối cảnh bị các nhóm vũ trang cực đoan tấn công và đối mặt với nguy cơ bị chính phủ lâm thời Syria trấn áp, một bộ phận lãnh đạo Druze ở Syria đã kêu gọi sự bảo vệ từ quốc tế, bao gồm kêu gọi Israel can thiệp.

Mâu thuẫn lớn nhất giữa chính phủ lâm thời Syria và người Druze là vấn đề giải giáp dân quân. Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa muốn tích hợp tất cả các lực lượng vũ trang vào quân đội chính quy, trong khi người Druze muốn được giữ lại vũ khí và lực lượng tự vệ riêng.

Ngoài ra, cộng đồng này cũng phàn nàn về việc bị gạt ra khỏi tiến trình đối thoại quốc gia, với chỉ một đại diện là người Druze trong nội các mới của chính phủ.

Israel cảnh giác với Syria

Quân đội chính phủ Syria can thiệp sau các vụ đụng độ bùng phát giữa dân quân Druze và các bộ tộc Bedouin ở Suwayda. Ảnh: CNN/Getty Images

Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết nước này “cam kết không để người Druze ở Syria bị tổn hại”, dựa trên mối quan hệ sâu sắc giữa cộng đồng người Druze ở hai bên biên giới.

Bên cạnh lý do nhân đạo, Israel đã đơn phương tuyên bố thiết lập “vùng phi quân sự” tại miền nam Syria – điều mà chính quyền Damascus từng bác bỏ.

Dù Mỹ từng thúc đẩy Israel và Syria tiến đến hòa giải, Tel Aviv vẫn duy trì lập trường cứng rắn với chính phủ lâm thời Syria.

Trong vụ việc mới nhất, một lãnh tụ tinh thần của người Druze là ông Hikmat al-Hijri đã lên tiếng kêu gọi “tất cả quốc gia” can thiệp để bảo vệ cộng đồng thiểu số ở Syria trước điều mà ông mô tả là “cuộc chiến tiêu diệt toàn diện”.

Theo CNN, việc Israel tiếp tục không kích Syria khiến triển vọng hai nước đạt thỏa thuận hòa bình càng thêm xa vời. Các cuộc không kích của Israel cũng làm phức tạp thêm nỗ lực của chính phủ lâm thời Syria trong việc xây dựng một quốc gia thống nhất.

Tháng 5 vừa qua, ông al-Sharaa xác nhận chính phủ lâm thời Syria có các cuộc đàm phán gián tiếp với Israel.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có thay đổi đáng kể. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đó kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không dỡ bỏ trừng phạt với Syria, viện dẫn nguy cơ an ninh.

Đăng Nguyễn - CNN

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vi-sao-israel-bat-ngo-doi-bom-du-doi-syria-204251607151302414.htm