Vì sao không giảm lương sếp thay vì sa thải nhân viên?

Trong bối cảnh làn sóng sa thải vẫn chưa dừng lại, đặc biệt ở ngành công nghệ, một số người thắc mắc lý do các lãnh đạo cấp cao không bị cắt giảm thu nhập.

 Dù được cả thế giới biết đến là CEO của gã khổng lồ công nghệ Mỹ, Tim Cook vẫn chỉ là người “làm công ăn lương”. Ảnh: Bloomberg.

Dù được cả thế giới biết đến là CEO của gã khổng lồ công nghệ Mỹ, Tim Cook vẫn chỉ là người “làm công ăn lương”. Ảnh: Bloomberg.

Chris Williams, cựu Phó Chủ tịch phụ trách nhân sự Microsoft đã giải thích về điều này, theo Insider.

Lý do thứ nhất, theo ông, là giảm lương của lãnh đạo cũng không tạo được tác động lớn.

Lấy Google hoặc Microsoft làm ví dụ. Cả hai tuyển dụng khoảng 200.000 nhân sự và đã sa thải khoảng 10.000 trong năm qua. Hai CEO cũng có mức lương tương tự nhau, khoảng 2 triệu USD/năm.

Với những công ty này, cắt giảm 10.000 vị trí sẽ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD mỗi năm chi phí. Nếu không trả lương cho CEO, họ chỉ tiết kiệm được 0,2% số đó.

 Không tối ưu chi phí vận hành là một trong những lý do các CEO chưa bị trừ lương. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Không tối ưu chi phí vận hành là một trong những lý do các CEO chưa bị trừ lương. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Thu nhập thực tế của các CEO công nghệ cao hơn nhiều. Chẳng hạn, CEO Google Sundar Pichai kiếm được 200 triệu USD năm 2023, còn người đồng cấp ở Microsoft, Satya Nadella, mang về gần 50 triệu USD năm 2022.

Đó là vì họ được thưởng cổ phiếu theo hiệu quả công việc và kết quả kinh doanh của công ty.

Hình thức này rất phổ biến trong giới doanh nghiệp vì nó không trực tiếp rút tiền từ túi doanh nghiệp. “Phép thuật” kế toán khiến cho chúng trở nên rất rẻ với công ty.

Quan trọng hơn, ban quản trị xem việc “cùm” chân CEO với cổ phiếu là một điều tốt. Nếu CEO không thể giải quyết các vấn đề, lương thưởng của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu họ hành động để nâng giá trị công ty, tất cả đều được hưởng lợi.

Cũng giống như tiền lương, vì các cổ phiếu thưởng không ảnh hưởng đến doanh thu hiện tại của công ty, việc cắt giảm khoản này sẽ không giúp công ty tiết kiệm thêm chi phí.

Một nguyên nhân khác khiến các CEO không bị giảm lương xuất phát từ thực tế không có nhiều người tài phù hợp cho “chiếc ghế” này. Rất ít lãnh đạo giàu kinh nghiệm dẫn dắt những công ty nghìn tỷ USD với hàng trăm nghìn lao động và hoạt động trên quy mô toàn cầu.

Theo Williams, cuộc cạnh tranh rất khốc liệt và mọi người đều biết giá trị của mình. Do đó, nếu cắt giảm lương thưởng và đề xuất mức thấp hơn so với những người chơi khác trong ngành, họ đối diện với rủi ro mất người lãnh đạo.

Hiện tại, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một số CEO đã lên tiếng cam kết chia sẻ với nhân viên. Chẳng hạn, CEO Google tình nguyện giảm lương một năm trước, CEO Apple công khai yêu cầu giảm một nửa cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, lương cơ bản của Tim Cook không thay đổi (3 triệu USD).

Dù vậy, hầu hết những người còn lại không làm như vậy. Họ lấy những lý do kể trên để thỏa mãn chính mình, ban quản trị và cổ đông.

Sau đó, họ quay trở lại công ty và nói những lời đầy cảm xúc về tất cả những điều này khó khăn như thế nào, thật buồn khi thấy mọi người thất nghiệp và ước có lựa chọn khác ra sao.

Trên hết, họ sẽ nói về việc cùng nhau sát cánh và xây dựng một công ty vững mạnh hơn trong tương lai.

Theo Du Lam/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-khong-giam-luong-sep-thay-vi-sa-thai-nhan-vien-post1458643.html