Vì sao lúc nào bạn cũng thèm ăn
Có phải bạn lúc nào cũng cảm thấy đói? Vậy thì bạn không đơn độc đâu. Trước hết, nhiều người trong chúng ta thấy đói thậm chí ngay sau bữa ăn, nguyên nhân xuất phát từ glucose.
Nếu so sánh hai bữa ăn có cùng lượng calo, bữa ăn nào không làm tăng glucose đột ngột sẽ giúp ta duy trì trạng thái no lâu hơn.
Nhanh đói là một triệu chứng thể hiện nồng độ insulin trong máu đang ở mức cao. Khi tình trạng này diễn tiến mạn tính, sự cân bằng hormone sẽ bị xáo trộn. Tín hiệu từ leptin, một hormone giúp cơ thể biết đã ăn đủ và phát tín hiệu ngừng ăn, bị chặn lại; trong khi ghrelin, hormone thông báo cảm giác đói, lại hoạt động tích cực.
Cơ thể nhận được tín hiệu phải ăn nhiều hơn vì rất đói, dù chất béo dự trữ vẫn chưa được sử dụng tới.
Khi ăn, chúng ta trải qua nhiều lần tăng glucose đột ngột, rồi insulin lao vào lưu trữ glucose dư thừa dưới dạng chất béo và thế là ta tăng cân. Càng tăng cân, chúng ta càng đói. Vòng luẩn quẩn không lối thoát ấy thật khó chịu.
Giải pháp không phải là cố gắng ăn ít đi, mà là giảm lượng insulin tiết ra bằng cách kéo duỗi đường cong glucose - nói cách khác, bạn cần ăn nhiều loại thực phẩm hơn.
Một thí nghiệm tại Đại học Yale vào năm 2011 đã thay đổi quan niệm về cảm giác thèm ăn của nhiều người. Các tình nguyện viên được tuyển chọn và đưa vào máy chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để đo hoạt động của não. Sau đó, họ được xem hình ảnh thực phẩm hiển thị trên màn hình như salad, bánh mỳ kẹp thịt, bánh quy, bông cải xanh và đánh giá mức thèm ăn dựa trên thang điểm từ 1 (Không thèm ăn) đến 9 (Rất thèm thuồng).
Các nhà khoa học theo dõi phần nào của não được kích hoạt khi tình nguyện viên xem những hình ảnh đó.
Các đối tượng tham gia còn được kết nối với máy theo dõi đường huyết.
Kết quả nghiên cứu đã khiến giới khoa học phải trầm trồ. Khi mức đường huyết ổn định, các tình nguyện viên không thèm muốn đồ ăn cho lắm. Tuy nhiên, khi đường huyết sụt giảm, xảy ra hai hiện tượng. Đầu tiên, trung tâm gây ra cảm giác thèm ăn trong não được kích hoạt khi nhìn thấy loại thực phẩm chứa hàm lượng calo cao. Thứ hai, các tình nguyện viên đánh giá điểm thèm ăn cao hơn nhiều so với lúc đường huyết ổn định.
Vậy nghiên cứu phát hiện ra điều gì mới? Nồng độ glucose chỉ giảm một lượng nhỏ 20mg/dL cũng khiến cơ thể thèm ăn các loại thực phẩm chứa hàm lượng calo cao.
Vấn đề là, đường huyết của chúng ta luôn giảm sau mỗi lần tăng đột ngột. Mức tăng càng cao thì sụt giảm càng mãnh liệt. Đây là điều tốt, bởi điều này đồng nghĩa với việc insulin đang làm tốt công việc của mình - tống glucose dư thừa vào các đơn vị lưu trữ.
Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta bị chi phối bởi ham muốn ăn bánh quy hoặc bánh mỳ kẹp thịt, hoặc cả hai thứ đó. Hãy kéo duỗi đường cong glucose và bạn sẽ giảm được cảm giác thèm ăn khó chịu này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-luc-nao-ban-cung-them-an-post1446171.html