Vì sao người lại mắc cúm gia cầm?
Việt Nam ghi nhận ca tử vong do cúm gia cầm sau hơn 8 năm. Dịch cúm gia cầm vẫn rải rác ở nhiều địa phương, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm sang người
Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, thế giới ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A/H5N1.
Lý do cúm A/H5N1 trở thành "sát thủ" nguy hiểm
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết dịch cúm gia cầm ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.
Có nhiều làn sóng dịch, cao điểm nhất là năm 2004-2009 ghi nhận 112 trường hợp, trong đó 57 ca tử vong.
Tháng 10-2022, nước ta ghi nhận trường hợp cúm A/H5 đầu tiên trên người sau 8 năm. Mới đây, Việt Nam ghi nhận ca tử vong do cúm gia cầm đầu tiên trong năm nay tại Khánh Hòa. Tích lũy đến nay, Việt Nam phát hiện 129 ca bệnh và 65 ca tử vong.
Nhiều ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm cũng được phát hiện trong 3 tháng đầu năm 2024. Các địa phương đã phải tiêu hủy gần 9.000 con gia cầm (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023).
Theo Bộ Y tế, virus gây bệnh cúm A/H5N1 là một chủng cúm có độc lực cao, có đến 50% người mắc diễn tiến nặng và tử vong. Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh.
Bộ Y tế nhận định thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
GS-TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết hầu hết các biểu hiện của cúm A/H5N1 đều giống như các loại cúm và viêm đường hô hấp khác như sốt cao, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau cơ, đặc biệt bệnh nhân bị khó thở, suy hô hấp và diễn biến xấu rất nhanh.
Do đó, những trường hợp viêm phổi virus tiến triển nặng, có tiếp xúc gia cầm, gia cầm chết, có gia cầm chết trong khu vực đó… cần nghĩ đến nguy cơ nhiễm cúm A/H5N1.
Cúm gia cầm lây sang người thế nào?
Theo các chuyên gia dịch tễ, virus cúm A/H5N1 thường trú ngụ trong các loài gia cầm, động vật có vú và lây cho con người.
Đây là loại virus có khả năng tự biến đổi (hoặc tái tổ hợp) rất cao. Virus này có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỉ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Hiện Việt Nam chưa ghi nhận các biến đổi bất thường của virus cúm A/H5N1, nhưng điều kiện thuận lợi làm tăng tính thay đổi của virus cúm là do người sống gần các loại gia cầm nuôi.
Theo các chuyên gia, virus cúm gia cầm lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh; tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm; hít phải hoặc tiếp xúc với chất tiết và không khí có chứa bụi phân gia cầm bệnh; xử lý gia cầm bệnh không đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, sử dụng trứng sống, gia cầm chưa được nấu chín cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vi-sao-nguoi-lai-mac-cum-gia-cam-196240331121914482.htm