Vì sao người Nhật thích đi bộ nhất thế giới?
Nói đến văn hóa đi bộ, Nhật Bản luôn là cái tên được nhắc tới đầu tiên.
Chỉ cần nhìn giao lộ tại khu vực Shibuya (trung tâm Thủ đô Tokyo) mỗi ngày có đến nửa triệu người tấp nập đi bộ; cảnh trẻ nhỏ từ tiểu học ríu rít tự đi bộ đến trường hay trào lưu đi 10.000 bước/ngày là có thể hiểu phần nào.
Dạy trẻ đi bộ đi học để tự lập
Tại đất nước chuộng đi bộ bậc nhất thế giới, người dân được rèn thói quen đi bộ từ nhỏ. Bắt đầu từ cấp tiểu học, trẻ em đã được cha mẹ tin tưởng cho phép tự tới trường.
Phóng viên Mỹ Seth Doane của đài CBS, trong một lần tới Nhật Bản, đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy sự tự giác và tự tin của trẻ nhỏ Nhật Bản khi đi học mà không cần cha mẹ đi cùng - hoàn toàn trái ngược với cảnh các bậc cha mẹ ở Mỹ lo lắng thường thấy mỗi khi để con tự đi tới trường.
Doane ghi nhận câu chuyện của cậu bé Ryuhei Sato, một bé trai 7 tuổi sống ở Thủ đô Nhật Bản. Từ 5h30 - 6h30 các ngày trong tuần, như bao trẻ tiểu học khác, sau bữa ăn sáng tại nhà, cậu bé đeo chiếc ba lô to, tự mình di chuyển 55 phút để tới trường, trong đó có 10 phút đi bộ từ nhà tới sân ga và nhiều lần đi bộ để chuyển tàu rồi từ sân ga tới trường.
Cô Yumi Sato, mẹ bé chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng lo lắm nhưng tại Nhật Bản cha mẹ đều khuyến khích con tự tới trường. Tại trường của Sato, đây là quy định bắt buộc”.
Bà Teru Clavel, nhà xã hội học người Mỹ gốc Nhật, đang sống tại Tokyo nhận định: Đó là văn hóa lâu đời tại Nhật, trẻ em thường được tự lập ngay khi bắt đầu vào tiểu học.
“Yêu con, hãy để con tự bước trên đường đời của mình” - đó là câu nói phổ biến tại Nhật.
Quan tâm thời gian đi bộ ra nhà ga/bến xe khi mua nhà
Với người trưởng thành, theo một thống kê được công bố cách đây ít năm, trung bình mỗi ngày nam giới của Nhật Bản đi bộ khoảng 7.200 bước chân, còn nữ giới của Nhật Bản đi bộ khoảng 6.200 bước.
Đa phần họ dùng cách di chuyển này để đi từ nhà tới bến ga, tàu điện ngầm/bến xe bus và từ bến tới văn phòng. Chỉ tính riêng 23 quận nội đô của Thủ đô Tokyo, mỗi ngày có đến 28 triệu lượt người sử dụng các phương tiện công cộng để đi lại.
Nếu để ý kỹ trên các biển quảng cáo bất động sản ở Nhật Bản, người ta không đề cập thời gian đi bằng xe máy hay ô tô tới các vị trí trung tâm như ở Việt Nam, mà nêu chi tiết đến từng phút từng giây thời gian đi bộ từ khu bất động sản đó tới nhà ga/bến xe bus gần đó, bởi đây là điều người mua nhà quan tâm nhất.
Nhờ có cách quy hoạch, thiết kế hạ tầng hợp lý nên người dân Nhật Bản càng có lý do để bỏ xe cá nhân mà đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng đi làm hàng ngày.
Đơn cử tại Tokyo, trong khu vực dân cư, đường sá được ưu tiên tuyệt đối cho người đi bộ, còn các phương tiện cơ giới được phép di chuyển nhưng phải ở vận tốc dưới 20km/h.
Nhật Bản cũng xây dựng nhiều tuyến đường đi bộ ngầm dưới lòng đất, kết nối các khu vực dân cư đến các nhà ga đồng thời xây dựng cả những tuyến phố thương mại ngầm để tạo thuận tiện cho người đi bộ.
Một trong những khu đi bộ, thương mại gần tàu điện ngầm nổi tiếng nhất thế giới là Shibuya (Tokyo). Khu vực rộng lớn, tương tự như Quảng trường Thời đại của Mỹ, có 10 ngã rẽ và 5 vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, là giao lộ có lượng người đi bộ lớn nhất thế giới.
Vào giờ cao điểm, khi đèn xanh cho người đi bộ bật sáng, từ 5 vạch kẻ đi, người đi tràn xuống, đông nghẹt đường.
Theo thống kê của Trung tâm đường phố Shibuya năm 2016, mỗi lần đèn xanh bật (khoảng 2 phút), có khoảng 3.000 người băng qua giao lộ này. Thậm chí, trong những ngày bận rộn, nơi đây còn là nơi qua lại của khoảng 500.000 người đi bộ/ngày.
Hạ tầng thân thiện với người cao tuổi, khuyết tật
Là một quốc gia có dân số già, Nhật Bản đã dành không ít sự quan tâm để xây dựng hệ thống hạ tầng đi bộ an toàn và thân thiện với người cao tuổi, người khuyết tật.
Trong đó, tại Tokyo, chính quyền địa phương đã xây dựng đường đi bộ không rào chắn, cho phép mở rộng vỉa hè dọc các tuyến đường huyết mạch và đường chính khác.
Tùy thuộc không gian đường, một số nơi có vỉa hè đủ rộng để 2 xe lăn di chuyển cùng lúc.
Ngoài ra, họ cũng không ngại chi tiền vào xây dựng cầu đi bộ, lắp đặt các thiết bị tín hiệu, đèn tối ưu cho người đi bộ.
Phần lớn tín hiệu cho người đi bộ đều có gắn âm thanh (tiếng nhạc cảnh báo người đi bộ khuyết tật về đèn xanh) và kéo dài thời gian đèn xanh để người già, người khuyết tật không phải vội khi qua đường.
Trào lưu đi bộ 10.000 bước/ngày xuất phát từ Nhật Bản
Đi bộ 10.000 bước/ngày để có sức khỏe tốt là lời tư vấn thường thấy nhất dạo gần đây trên thế giới, thậm chí xuất hiện trên các ứng dụng chăm sóc sức khỏe, trở thành thử thách trên mạng xã hội. Nhưng ít ai biết, xu hướng này thực chất xuất phát từ một chiến dịch marketing.
Năm 1965, một công ty bán máy đếm bước chân của Nhật Bản đã đặt tên cho chiếc máy của họ là “máy đo 10.000 bước” (trong tiếng Nhật là “manpokei”).
Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, sở dĩ họ chọn tên này vì ký tự 10.000 trong tiếng Nhật nhìn giống như người đang đi. Giá trị thực tế của 10.000 bước với sức khỏe thực chất chưa được xác định qua bất cứ nghiên cứu nào.
Tránh vừa đi vừa ăn, nói chuyện to
Một số hành động đi bộ được coi là không lịch sự tại nước này có thể kể đến như vừa đi vừa ăn. Trên đường phố Nhật Bản luôn có đặt nhiều máy bán tự động nhưng người dân thường đứng ăn/uống ngay gần đó, xong xuôi rồi mới di chuyển.
Thứ hai, người Nhật không vừa đi bộ vừa hút thuốc. Do mật độ dân số cao, số lượng người đi bộ nhiều nên hành động vừa đi vừa hút thuốc có thể gây bỏng và mùi khói khó chịu cho những người xung quanh.
Thứ ba, người dân xứ hoa anh đào không vừa đi vừa nói chuyện to, kể cả nói chuyện điện thoại vì sẽ gây khó chịu cho người khác. Nếu cần gọi điện, họ thường tìm một góc nào đó kín đáo và hạ giọng.
Khi điện thoại thông minh phát triển, thành phố Yamato gần Thủ đô Tokyo còn ra quy định cấm người đi bộ “dán mắt” vào điện thoại khi đang di chuyển. Ở vỉa hè hay trong công viên, địa phương này sẽ phát loa ghi âm thông báo cấm sử dụng điện thoại khi đang đi.