Vì sao người Trung Quốc đổ xô đi khám tìm u phổi?

Trung Quốc có 150 triệu người bị hạch phổi. Mỗi năm có thêm 10-20 triệu người được xác định có loại u này. Do đó, việc người dân đổ xô đến các bệnh viện chụp CT phổi đang là trào lưu.

Tới bệnh viện kiểm tra u phổi sớm đang là thói quen phổ biến ở Trung Quốc. Trong hai năm qua, nhiều người khi chụp cắt lớp cũng phát hiện khối u (hạch) phổi.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Chung Nam Sơn Viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc, một chuyên gia y tế nổi tiếng, đã phân tích tình hình mắc chứng u phổi ở Trung Quốc, và giải thích tại sao điều này xảy ra.

 Lo sợ ung thư, ngày càng nhiều người Trung Quốc đổ xô đi chụp CT phổi (Ảnh: LTN).

Lo sợ ung thư, ngày càng nhiều người Trung Quốc đổ xô đi chụp CT phổi (Ảnh: LTN).

Nguyên nhân phát hiện tỷ lệ người có u phổi gia tăng

Viện sĩ Chung Nam Sơn cho biết có hai nguyên nhân khiến tỷ lệ phát hiện có khối u (pulmonary nodule) ở phổi tăng lên. Thứ nhất, do bệnh COVID-19, nhiều người có các triệu chứng như sốt, cảm lạnh, ho, rất nhiều người phải chụp CT.

Số người đi chụp CT đã tăng lên rất nhiều, hiện nay người ta chú trọng hơn đến các u phổi khi kiểm tra sức khỏe. Các khối u phổi là biểu hiện sớm của ung thư phổi nên ngày càng có nhiều người tìm đến bệnh viện chụp CT do lo sợ.

Thứ hai, trên thực tế, những người trưởng thành đều có khá nhiều u phổi có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Thống kê cho thấy 30%-40% người bình thường có các u (hạch) ở phổi có kích thước khác nhau, từ 2-3 mm đến 1 cm. Nếu đưa thêm trí tuệ nhân tạo (AI) vào chụp CT, AI có thể tự động xác định các u lớn và nhỏ. Và có thể 60% người bình thường có u.

Ông Chung Nam Sơn cho rằng sự chú ý của công chúng hiện nay đối với các khối u là một điều tốt. Việc phát hiện sớm sẽ giúp chẩn đoán sớm, điều trị sớm, không cần thiết lo lắng quá nhiều.

 Nhiều người trưởng thành có các hạch ở phổi (Ảnh: Singtao).

Nhiều người trưởng thành có các hạch ở phổi (Ảnh: Singtao).

Không nên quá lo sợ, nhưng cũng không thể xem thường

Đặc biệt hiện nay CT đã ngày càng chính xác hơn, có thể xác định được hạch (khối u) thực tế là lành tính và có thể không cần lo lắng hoặc tiếp tục theo dõi lâu dài là được. Phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là sử dụng AI để phân tích các khối u, bao gồm mật độ, chu vi và kích thước của chúng. Xét từ góc độ này, phía y tế cần chú ý, người dân cũng cần quan tâm việc phổ biến kiến thức cho người dân sớm, không gây hoang mang quá mức là rất quan trọng.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác phòng ngừa và điều trị ung thư, đồng thời thiết lập “Hành động phòng chống và kiểm soát ung thư” trong số 15 hành động đặc biệt của “Chiến dịch Trung Quốc khỏe mạnh (2019-2030)”.

 Viện sĩ Chung Nam Sơn trả lời phỏng vấn về bệnh u phổi ở Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Viện sĩ Chung Nam Sơn trả lời phỏng vấn về bệnh u phổi ở Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Vào cuối năm ngoái, nhiều cơ quan ban ngành Trung Quốc đại lục đã cùng ban hành "Kế hoạch thực hiện hành động phòng ngừa và điều trị ung thư thuộc Chiến dịch Trung Quốc khỏe mạnh (2023-2030)", mục tiêu chính là tập trung vào việc tăng cường sàng lọc ung thư, khả năng chẩn đoán và điều trị sớm, tiêu chuẩn hóa việc chẩn đoán và điều trị, kiểm soát gánh nặng bệnh tật của bệnh nhân. Được thúc đẩy bởi hàng loạt chính sách, việc sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi cũng đã có những tiến bộ rõ rệt.

Cho đến nay, kết quả chuẩn đoán tương đối tốt, tỷ lệ chính xác hiện có thể đạt xấp xỉ 93%. Vì vậy, Trung Quốc đang nỗ lực kéo giảm chi phí để đông đảo người dân có thể tầm soát bệnh, cải thiện đáng kể tỷ lệ chữa khỏi khối u ác tính nghiêm trọng nhất (ung thư phổi).

Loại u phổi nào an toàn?

Có u ở phổi có nghĩa là bị ung thư phổi? Tất nhiên là không. Các u con gọi là hạch phổi thực chất là thuật ngữ hình ảnh, dùng để chỉ các hình đặc tròn khu trú với nhiều kích cỡ khác nhau, có viền rõ hoặc mờ và đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 3 cm trên hình ảnh chụp CT phổi.

Hầu hết chúng là những tổn thương lành tính và chỉ một số ít là khối u ác tính. Ung thư phổi có thể biểu hiện dưới dạng các hạch ở phổi, nhưng không phải tất cả các hạch ở phổi đều là ung thư phổi hoặc sẽ trở thành ung thư phổi.

Vậy loại u phổi nào tương đối an toàn? Nói chung, đối với các hạch tương đối nhỏ (dưới 6 mm), không có đặc điểm ác tính điển hình trên hình ảnh (chia nhánh, có gờ, rỗng trong, xuyên cắt mạch máu, v.v.). Đồng thời xét nghiệm máu hạch phổi 7 kháng thể cho kết quả âm tính thì những hạch nhỏ như vậy có thể nói là những nốt sần “đẹp và nhân hậu”, rất ít có khả năng trở thành ung thư.

Nói chung, sau khi phát hiện có các hạch phổi, không cần phải hoảng sợ hay so sánh với người khác. Suy cho cùng, tình trạng của mỗi người là khác nhau, nhất định cần phải theo dõi thường xuyên dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Cần chú ý kiểm tra toàn diện, xét nghiệm máu hạch phổi và kiểm tra hình ảnh đều quan trọng như nhau và cả hai đều không thể thiếu.

Theo The Paper, Singtao

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-sao-nguoi-trung-quoc-do-xo-di-kham-tim-u-phoi-post175357.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat