Vì sao nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với kinh tế tuần hoàn?
Xu hướng hiện nay của các quốc gia trên thế giới là tiết kiệm tài nguyên, trong đó chất thải cũng được coi là một dạng tài nguyên, do đó kinh tế tuần hoàn là một xu thế tất yếu.
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH), chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hay năng lượng sạch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước hiện nay. Việt Nam đã bắt đầu thực hiện đề án phát triển KTTH từ nhiều năm nay.
Các chuyên gia cho rằng ý thức về KTTH đang có sự cải thiện khi những mô hình mới liên quan đến nông nghiệp, năng lượng, thương mại, dịch vụ… đang hình thành. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều cần làm để khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng, phát triển các hoạt động KTTH.
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KTTH (Đại học Quốc gia TP.HCM) đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính liên tục gia tăng, từ khoảng 20 triệu tấn (năm 1990) lên 355 triệu tấn CO2 (năm 2020). Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, dẫn đến nhu cầu năng lượng tăng cao và kéo theo sự gia tăng lượng phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đang khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời công nghiệp, nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính. Các dự án nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính đang được phát triển và triển khai trong các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý rác thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.
"Tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ngoài ra Việt Nam cũng đã ban hành đề án về các nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện kết quả của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó nhiều quyết định khác cũng liên quan cũng đã được ban hành.
Điều này cho thấy một sự quyết tâm nỗ lực của nhà nước trong vấn đề này để cùng với các bạn bè trên toàn thế giới thúc đẩy sự phát triển bền vững. Những vấn đề liên quan đến chính sách, những quy định về thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng được quan tâm" - PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân đánh giá.
GS.TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng nhận định, xu hướng hiện nay của các quốc gia trên thế giới là tiết kiệm tài nguyên, mà trong đó chất thải cũng được coi là một dạng tài nguyên. KTTH là một xu thế tất yếu, việc khai thác quá mức cũng như sử dụng không hiệu quả các nguồn tài nguyên càng ngày càng được cảnh báo vì tài nguyên là có hạn.
"Để phát triển bền vững phục vụ cho những mục tiêu lâu dài cần sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Chúng ta có rất nhiều nguồn năng lượng, ví dụ nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng từ gió để khai thác. Việc xây dựng nền KTTH mang tính cấp thiết, cả xã hội phải cùng tham gia vào để thực hiện nhằm tạo ra những sản phẩm ưu việt, có giá trị kinh tế và thân thiện với môi trường" - GS.TS. Lê Thanh Hải nói.
Đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng tín chỉ carbon
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập, trong đó có thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải, chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành của cá nhân được cấp; Thu nhập từ tiền lãi từ trái phiếu xanh, thu nhập từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành.
Theo Bộ Tài chính, phát triển thị trường tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Tại Luật Bảo Vệ môi trường đã có các quy định về tín chỉ carbon, cơ chế trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon cũng như đề ra chủ trương Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển.
Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định về trái phiếu xanh do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định để huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Chủ thể phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu xanh được hưởng các ưu đãi theo quy định và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cũng theo Bộ Tài chính, qua nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... cũng có quy định miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải. Mỹ, Ấn Độ áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh. Ví dụ ở Mỹ thu nhập từ trái phiếu xanh do chính quyền địa phương phát hành được miễn thuế thu nhập.
Rào cản về tài chính và chính sách
Đánh giá được việc chuyển dịch sang nền KTTH trong sản xuất để hướng đến phát thải ròng bằng 0 là điều tất yếu, tuy nhiên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế này trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân chia sẻ, trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nắm bắt công nghệ và triển khai những dự án về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp chuyển dịch theo mô hình KTTH là không cao.
"Theo những khảo sát, nghiên cứu của chúng tôi cũng như một số đơn vị như Viện nghiên cứu phát triển kinh tế Trung ương, Viện chính sách Tài nguyên và Môi trường cho thấy còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng trong quá trình này, một mặt xuất phát từ sự hiểu biết, năng lực, nhận thức" - PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân nói thêm.
Một trong những điểm khó khăn nữa mà PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân chỉ ra là nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về nguồn lực con người để chuyển dịch sang nền KTTH. Bên cạnh đó là khó khăn về mặt tài chính, khó khăn liên quan tới công nghệ.
Hơn nữa, những chính sách hỗ trợ của nhà nước để các doanh nghiệp triển khai thực hiện mô hình KTTH còn rất hạn chế, điển hình là chính sách liên quan tín dụng xanh. Công bố gần đây từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy rằng số lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận tới nguồn tín dụng tài chính xanh còn thấp.
"Hiện chúng ta không có đủ nhân lực để giúp cho doanh nghiệp thực sự tham gia trong quá trình này. Vì khi thực hiện không chỉ đơn giản là hành động nhất thời mà cần phải có chiến lược, kế hoạch hành động lâu dài" - PGS.TS Quân nhấn mạnh.
GS.TS Lê Thanh Hải cũng đánh giá, nhiều doanh nghiệp không tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nền kinh tế tuần hoàn do chưa thấy lợi ích. Doanh nghiệp nào cũng lấy cái lợi nhuận là hàng đầu, nếu thực hiện nền kinh tế này mà gặp khó khăn về công nghệ, về mặt tài chính thì sẽ khó đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia.
Cần nhiều giải pháp đột phá để phát triển nền KTTH
Đánh giá được tầm quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển mô hình này:
Thứ nhất là cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong KTTH, theo đó các sáng kiến từ hợp tác quốc tế bắt nguồn từ các cơ chế hỗ trợ về tài chính và chuyển giao kỹ thuật ở quy mô quốc gia và địa phương. Hợp tác với các tổ chức quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng các cơ chế, hành lang nhằm thúc đẩy triển khai KTTH.
"Để thực hiện lộ trình giảm phát thải carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế, Việt Nam cần 114 tỉ USD đến năm 2040, bao gồm 81 tỉ USD đầu tư vào chuyển đổi năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải và nông nghiệp, cùng với 33 tỉ USD cho các chương trình xã hội. Theo đó, đã có nhiều hỗ trợ từ các tổ chức tài chính đã giúp giảm bớt thách thức này" - PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân nói.
Thứ hai là cần tích hợp kinh tế tuần hoàn vào phát triển kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh việc lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược phát triển vùng trên phạm vi cả nước.
Thứ ba là cần hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi KTTH, tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 96% tổng số doanh nghiệp, sử dụng 47% lực lượng lao động và đóng góp 36% vào giá trị gia tăng quốc gia. Do đó, cần có các chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang KTTH.
Thứ tư là cần cơ chế Sandbox (khung thể chế thí điểm) cho phát triển KTTH, việc triển khai KTTH đang phải đối mặt với một số thách thức như năng lực hạn chế về công nghệ, tài chính và nguồn nhân lực của các doanh nghiệp và tổ chức; các quy định hiện hành chưa cho phép có sự đột phá trong kinh tế tuần hoàn. Do đó, để giải quyết những khó khăn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang soạn thảo Nghị định về sandbox pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghị định này nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp thử nghiệm và thí điểm các ý tưởng, sáng kiến liên quan đến kinh tế tuần hoàn.