Vì sao nhiều huyện 'trống' vị trí Trưởng Phòng Y tế?
Thời gian qua, nhiều huyện ở Hải Dương mỏi mắt tìm kiếm người để bổ nhiệm vị trí Trưởng Phòng Y tế nhưng chưa có kết quả. Có nơi đã phải giải thể phòng này.
Mỏi mắt tìm người
Ngày 28.12.2022, UBND huyện Bình Giang đã ra thông báo về việc giải thể Phòng Y tế huyện từ ngày1.1.2023. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác y tế được giao cho Văn phòng HĐND và UBND huyện.
Đồng chí Nhữ Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang cho biết năm 2021, Trưởng Phòng Y tế huyện đã xin nghỉ hưu trước tuổi. Phòng này chỉ còn 1 chuyên viên nhưng không có chuyên môn bác sĩ nên không thể bổ nhiệm được vị trí trưởng phòng. Các hoạt động của Phòng Y tế gặp nhiều khó khăn. Huyện đã liên hệ với một số bác sĩ để về đảm nhiệm vị trí Trưởng Phòng Y tế nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Trong khi đó, nhiều huyện ở Hải Dương cũng đang mỏi mắt tìm người đảm đương vị trí này. 3 năm đã qua kể từ ngày Trưởng Phòng Y tế nghỉ hưu, huyện Cẩm Giàng vẫn chưa tìm được người thay thế. Công việc quản lý, điều hành Phòng Y tế được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách. “Phòng Y tế huyện chỉ còn một đồng chí chuyên viên nhưng lại không có chuyên môn, trong khi khối lượng công việc rất nhiều, nhất là trong đợt dịch Covid-19 bùng phát. Tôi là lãnh đạo UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện nhưng hằng ngày vẫn phải làm tổng hợp báo cáo ca bệnh, soạn thảo, tham mưu nhiều loại văn bản cho huyện…”, đồng chí Nguyễn Văn Công nói.
Vài năm nay, việc lãnh đạo, quản lý, điều hành Phòng Y tế huyện Tứ Kỳ được giao cho đồng chí Dương Hà Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện. “Tương đối bất cập vì tôi không được đào tạo chuyên môn liên quan đến ngành y. Huyện phải đề nghị Trung tâm Y tế huyện biệt phái một bác sĩ sang Phòng Y tế làm công tác chuyên môn. Đồng chí này vừa thi sát hạch để chuyển ngạch, nếu được sẽ bổ nhiệm chức danh Trưởng Phòng Y tế huyện”, đồng chí Hải thông tin.
Bác sĩ biệt phái từ Trung tâm Y tế sang Phòng Y tế huyện Tứ Kỳ là anh Đào Văn Vĩnh, Trưởng Khoa Y tế công cộng. Bác sĩ này cho biết khi làm việc tại Trung tâm Y tế huyện, nhiệm vụ của anh thuần túy chỉ khám chữa bệnh liên quan đến nội khoa và răng - hàm - mặt. Kể từ ngày sang Phòng Y tế, anh gặp không ít khó khăn, phải làm quen từ việc soạn thảo văn bản trên máy tính đến tìm hiểu các văn bản nhà nước về quản lý y tế để tham mưu UBND huyện các hoạt động quản lý. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, một ngày anh phải soạn thảo, tham mưu nhiều văn bản, trong đó có những văn bản phải làm đi làm lại nhiều lần. Dù đang được xem xét bổ nhiệm vị trí Trưởng Phòng Y tế huyện song anh Vĩnh vẫn còn lưỡng lự. “Làm bên Trung tâm Y tế ngoài lương thì tôi được hưởng phụ cấp ngành 40%. Tôi cũng có thể ra ngoài làm thêm để tăng thu nhập. Nếu sang phòng này tôi chỉ được hưởng 25% công vụ”, bác sĩ Vĩnh nói.
Theo quy định, người được bổ nhiệm chức danh Trưởng Phòng Y tế huyện phải có trình độ chuyên môn đại học về ngành y, trình độ lý luận chính trị trung cấp... Thực tế các địa phương không thiếu người đủ tiêu chuẩn này. Vấn đề ở chỗ không nhiều bác sĩ muốn làm. Một bác sĩ đang công tác tại Trung tâm Y tế một huyện phân tích: “Trưởng Phòng Y tế dù được phụ cấp chức vụ 0,3 nhưng thực tế chẳng đáng bao nhiêu. Một bác sĩ chỉ cần làm thêm hoặc mở phòng khám tư bên ngoài thì vẫn có thu nhập cao hơn, công việc lại thuần túy, không phải đau đầu làm công tác quản lý như vị trí Trưởng Phòng Y tế”.
Có nên sáp nhập?
Theo quy định, Phòng Y tế cấp huyện hiện chỉ được biên chế 2 người gồm 1 trưởng phòng và 1 chuyên viên. Trong khi đó, nhiệm vụ của phòng này không hề nhỏ. Việc không bố trí được vị trí trưởng phòng làm cho hoạt động của Phòng Y tế huyện gặp nhiều khó khăn, vai trò trở nên mờ nhạt. Không ít ý kiến cho rằng nếu khó bố trí vị trí Trưởng Phòng Y tế thì có thể đề xuất giải thể phòng này và sáp nhập vào Văn phòng HĐND và UBND huyện như huyện Bình Giang đã làm. Đề xuất này được cho là phù hợp vì thực chất Phòng Y tế huyện trước kia thuộc Văn phòng HĐND và UBND.
Đồng chí Nhữ Văn Chuyên cho biết từ ngày huyện Bình Giang giao cho Văn phòng HĐND và UBND huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác y tế không có quá nhiều khó khăn. Công tác tham mưu, xây dựng các văn bản chỉ đạo về y tế thì căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên. Hoạt động kiểm tra liên quan đến ngành y đã có các cơ quan chuyên môn như Trung tâm Y tế tham gia. “Nếu Phòng Y tế huyện được biên chế thêm người, có đủ chuyên môn thì tách riêng. Nhưng nếu chỉ được biên chế 2 người thì chẳng khác mấy so với thời trước. Nên theo tôi, vẫn nên sáp nhập về Văn phòng HĐND và UBND”, đồng chí Chuyên nêu quan điểm.
Một số ý kiến khác đề nghị tỉnh nên có chính sách thu hút nhân lực về công tác tại Phòng Y tế cấp huyện như vừa áp dụng với Trung tâm Y tế tuyến huyện. Trước mắt, nếu mời người từ Trung tâm Y tế huyện sang để khỏa lấp vị trí Trưởng Phòng Y tế thì cần có chế độ đặc thù để họ yên tâm công tác.