Vì sao ô nhiễm không khí ở Hà Nội lại có khung giờ và theo mùa?
Theo chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí ở Hà Nội không chỉ là vấn đề giao thông mà còn liên quan đến cách quản lý đô thị, kiểm soát xây dựng và ý thức bảo vệ môi trường của cả cộng đồng.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Minh Tấn - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Hà Nội là một trong hai thành phố lớn nhất của Việt Nam. Với tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế và gia tăng dân số nhanh chóng, ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những vấn đề cần ưu tiên giải quyết. TP Hà Nội hiện có khoảng 1,1 triệu xe ô tô; 6,9 triệu xe máy, 10 Khu công nghiệp; 70 Cụm công nghiệp; 1370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những hoạt động cần được chú ý, kiểm soát trong công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất lượng không khí của thành phố Hà Nội nói riêng.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2018-2020 vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT (25 µg/m3). Nồng độ bụi PM10 trung bình năm vượt quá giới hạn QCVN từ 1,3 đến 1,6 lần. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu (tính trung bình các trạm) chiếm tỉ lệ 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm, một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (VN_AQI trên 200).
Theo Báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 giai đoạn 2019-2020 sử dụng dữ liệu đa nguồn, có tới 29/30 quận/huyện/thị xã có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia. Giữa các quận, huyện, thị xã có sự chênh lệch nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm, trong đó nồng độ bụi cao hơn ở các quận nội thành và thấp hơn ở các huyện ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì). Nồng độ bụi PM2.5 trong mùa đông có xu hướng đặc biệt cao do điều kiện khí tượng và điều kiện khí quyển không ổn định, làm hạn chế sự phát tán của các chất ô nhiễm. Vào mùa hè, chất lượng không khí thường có xu hướng tốt hơn khi có mưa cuốn trôi ô nhiễm không khí và gió đông nam (từ Biển Đông) là gió chính có khả năng vận chuyển, khuếch tán chất ô nhiễm cao.
Từ các phân tích và nhận định nêu trên, thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi PM2.5, gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các thiệt hại về kinh tế. Theo một số nghiên cứu, chúng tôi nhìn thấy mối liên quan giữa nồng độ bụi PM2.5 và sức khỏe của cộng đồng. - Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp. Chất lượng cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề giao thông mà còn là cách quản lý đô thị
TP Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông. Theo số liệu năm 2019, tổng phát thải bụi PM 2.5 từ các nguồn là hơn 30.000 tấn, hơn 50% số này đến từ nguồn thải tại chỗ. Trong đó, hoạt động giao thông, bụi đường lớn nhất, chiếm 56%. Thành phố có 1,1 triệu ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.
Kết quả quan trắc từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy ô nhiễm không khí tại Hà Nội thường nặng nhất vào các khung giờ từ 6-8h và 17-19h chiều, đúng vào giờ đi làm và tan tầm. Nhiều người không khỏi băn khoăn đặt ra câu hỏi đây có phải là sự kết hợp giữa bụi từ xây dựng ban đêm và khí thải giao thông ban ngày, cùng với các yếu tố thời tiết như sương mù mùa đông làm tình trạng thêm trầm trọng?
Theo các chuyên gia, nếu chỉ đổ lỗi cho phương tiện giao thông, mật độ dân cư hay các công trình xây dựng, thì tại sao không khí ở các thời điểm khác trong ngày lại đỡ ô nhiễm hơn? Và vì sao vào các mùa khác, mức độ ô nhiễm lại nhẹ hơn so với thời điểm từ tháng 10 đến tháng 4?
Nhiều công trình xây dựng ở Hà Nội diễn ra vào ban đêm, với các xe tải liên tục vận chuyển vật liệu ra vào thành phố. Sau mỗi đêm, lượng bụi cát từ các công trình này đọng lại trên đường, khiến chỉ số bụi mịn tăng cao vào sáng sớm? Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặc dù trong ngày, lưu lượng xe cộ tham gia giao thông rất lớn.
Hoạt động xây dựng cũng dễ nhận thấy qua các công trình đào bới đường, vỉa hè. Đến hẹn lại lên, cứ cuối năm là Hà Nội lại lát lại vỉa hè. Bụi bẩn từ những công trình này phát tán trực tiếp vào không khí, bám vào mặt, quần áo, xe cộ của người đi đường. Vậy nếu quản lý xây dựng đúng quy định, yêu cầu các chủ đầu tư phải che chắn, kiểm soát bụi kỹ lưỡng thì liệu tình trạng này có giảm đi? Hay những vi phạm trong xây dựng vẫn tiếp diễn, âm thầm làm ô nhiễm không khí mà không bị xử lý triệt để?
Điều này cho thấy ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề giao thông mà còn liên quan đến cách quản lý đô thị, kiểm soát xây dựng và ý thức bảo vệ môi trường của cả cộng đồng. Nếu không giải quyết được tận gốc, chắc chắn chất lượng không khí Hà Nội vẫn mãi là một vấn đề dai dẳng.