Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan gần như mất sức kháng cự trước Taliban sau khi họ để thung lũng Panjshir thất thủ. Dù FANR tuyên bố vẫn kiểm soát tới 60% khu vực này, nhưng đây chỉ là những ngọn nút cao không bóng người ở.
Việc chiếm giữ những ngọn núi cao không bóng người này không có ý nghĩa về mặt chiến lược, khi nguồn tiếp tế từ thung lũng đã bị Taliban cắt đứt, lực lượng này sẽ rất nhanh đối mặt với thảm họa.
Giới lãnh đạo hàng đầu của FANR được cho là đã sang Tajikistan và tiến hành các bước đi cần thiết để thành lập chính phủ Afghanistan lưu vong.
Phía FANR luôn phủ nhận các thủ lĩnh của họ ra nước ngoài, đồng thời tuyên bố các cuộc giao tranh ác liệt với Taliban vẫn diễn ra.
Nhưng các phóng viên quốc tế tới được Panjshir cho biết, những cuộc chống trả quyết liệt trở nên hiếm thấy tại thung lũng này. Nơi đây chỉ còn những lời kể trái ngược về các vụ thảm sát, thanh lọc sắc tộc và cáo buộc khó xác minh.
Phóng viên New York Times đến thung lũng Panjshir trong những ngày gần đây cho biết, họ chỉ thấy ở hai bên đường với những tấm áp phích về các chiến binh ngã xuống từ các cuộc chiến trước đây đã bị xé bỏ.
Những đàn gia súc lang thang đã thế chỗ của những dòng xe cộ tấp nập thường ngày. Không khí im lặng chỉ bị phá vỡ bởi những tiếng thánh ca Hồi giáo cất lên từ những chiếc loa trong xe tải của Taliban.
Khi phóng viên đi khoảng 64 km quanh thung lũng Panjshir và thủ phủ tỉnh Bazarak, chiến sự gần như đã chấm dứt. Dấu hiệu kháng cự dường như chỉ bó hẹp trong vùng núi khó có thể tiếp cận bằng xe cơ giới.
Hầu hết cư dân đã chạy trốn trước khi giao tranh xảy ra. Những người ở lại đang phải vật lộn với giá cả tăng vọt và sự thiếu thốn lương thực.
“Cuộc chiến đã kết thúc ở Panjshir”, Sabawoon, một chỉ huy đơn vị của Taliban đang đóng chốt tại thung lũng Panjshir cho biết.
Vì sao lực lượng Kháng chiến Quốc gia Afghanistan dù được kỳ vọng sẽ tạo nên vị thế đối đầu với Taliban sau khi chính quyền Kabul sụp đổ, nhưng rút cuộc lại nhanh chóng thất bại? Các nguyên nhân đang được giới phân tích chỉ ra.
Đầu tiên là việc phe kháng chiến thua kém quân số và vũ khí trang bị trước Taliban. Rõ ràng những nhân vật tạo nên FANR không hề có sự chuẩn bị từ trước, họ bị động hoàn toàn trước bước tiến quá nhanh của Taliban.
Kho vũ khí của FANR có tuổi đời từ một hai thập kỷ trước, chủ yếu trong các kho của Liên minh Phương Bắc giai đoạn 1996-2001.
Nếu xét về chủng loại và số lượng, FANR đang có một kho vũ khí khổng lồ tại thung lũng Panjshir, tuy nhiên chúng không thể hoạt động do bị bỏ rơi trong suốt 20 năm qua.
Họ chỉ có một vài xe tăng và một số lượng ít ỏi các khẩu pháo, điều này là không đủ để đối đầu với Taliban, vốn vừa thu được kho vũ khí hiện đại hàng chục tỷ USD từ quân đội Afghanistan được Mỹ trang bị.
Bình luận với phóng viên AFP, chỉ huy Taliban, Mullah Sanaullah Sangin Fatih cho biết rằng, kho vũ khí của FANR đã có tuổi đời hàng thập kỷ và trái ngược hoàn hoàn với vũ khí hiện đại mà Taliban sử dụng: "Chúng có niên đại chủ yếu từ thời Liên Xô còn hiện diện ở Afghanistan".
Thứ đến là Taliban có nguồn lực trợ giúp to lớn từ bên ngoài, đặc biệt là từ Pakistan, nước này đã trợ giúp huấn luyện Taliban trong nhiều thập niên.
Thậm chí nhiều nguồn tin khẳng định rằng, Pakistan đã điều đặc nhiệm và không quân để trợ giúp Taliban đánh chiếm thung lũng Panjshir. FANR cũng bắt được một số tay súng Taliban có quốc tịch Pakistan.
Tuy vậy Islamabad đã lên tiếng bác bỏ việc họ trợ giúp Taliban để tấn công lực lượng Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan tại thung lũng Panjshir.
Tiếp theo là sự lãnh đạo của các thủ lĩnh Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan được cho là kém cỏi. Cựu Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh, một trong hai thủ lĩnh của FANR thì được cho là đã làm quá ít để thu hút sự ủng hộ ngay cả ở trong Thung lũng Panjshir
"Khi ông ấy (Saleh) đến vào tháng 8-2021 để kêu gọi mọi người chiến đấu với mình, các bô lão đã chỉ trích ông ấy vì chưa bao giờ làm bất cứ điều gì cho Panjshir", một nhà báo địa phương cho biết.
Trong khi đó thủ lĩnh Ahmad Massoud, người bị cho là kém cỏi khi thiếu cả kinh nghiệm quân sự lẫn khả năng thu hút hậu thuẫn từ quốc tế.
Ahmad Massoud kém xa cha mình là vị thủ lĩnh khét tiếng của Liên minh Phương Bắc Ahmad Shah Massoud. Dù được các cựu lãnh đạo quân đội Afghanistan vốn là thuộc cấp của cha mình khi xưa giúp đỡ, nhưng rút cuộc Ahmad Massoud vẫn không thể xoay chuyển tình hình khi căn cứ bị Taliban tấn công.
Thủ lĩnh Ahmad Shah Massoud ngày xưa đã xây dựng Liên minh Phương Bắc hùng mạnh với việc kiểm soát nhiều vùng đất tiếp nối với các nước xung quanh, từ đó thuận tiện cho việc tiếp nhận lương thực vũ khí từ quốc tế.
Trong khi Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan do con ông lãnh đạo lại chỉ kiểm soát được mỗi thung lũng Panjshir. Vì không có khu vực tiếp giáp với nước ngoài, nên nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế thì cũng không thể vận chuyển, ngoại trừ đường hàng không
Cuối cùng là sự thiếu thống nhất trong lãnh đạo, dù đều cùng nằm trong Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan, nhưng Amrullah Saleh và Ahmad Massoud lại không thống nhất về mặt lãnh đạo quân sự.
Thủ lĩnh Ahmad Massoud chỉ huy các binh sĩ FANR xuất thân từ dân quân địa phương và một số cựu quân nhân Afghanistan, những người đã yêu quý và mang ơn cha của ông.
Trong khi cựu Phó Tổng thống Afghanistan Amrullah Saleh lại chỉ huy các binh sĩ FANR xuất thân từ lực lượng đặc nhiệm Aghanistan và các cựu quân nhân từ chối đầu hàng Taliban.
Tương lai cho lực lượng Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan vẫn là câu hỏi để ngỏ. Hiện lực lượng này vẫn còn khoảng 6.000 binh sĩ đang đóng rải rác trên các sườn núi tại thung lũng Panjshir.
Việt Hùng