Vì sao 'tăng thuế thuốc lá có lợi cho đất nước và người dân'?
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT nói rằng 'tăng thuế thuốc lá có lợi cho đất nước và người dân'. Thực tế, Việt Nam có 40-70 nghìn ca tử vong sớm/năm do thuốc lá, trong khi thu thuế từ thuốc lá (17,6 nghìn tỷ) chưa bằng 1/5 chi phí y tế.
Trước việc Bộ Tài chính và Chính phủ vừa công bố Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để lấy ý kiến, sáng nay, 13/8, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức “Hội thảo cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về tác hại của thuốc lá và biện pháp kiểm soát tiêu dùng”, để các chuyên gia, các nhà khoa học cung cấp các thông tin, số liệu có tính thuyết phục về tác hại của thuốc lá và chính sách thuế có thể kiểm soát hiệu quả việc tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam
Tăng thuế thuốc lá có lợi cho đất nước và người dân
Khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: Có tới 69 chất gây ung thư trong thuốc lá. Trong khi Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong ASEAN. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng giá và thuế rất hiệu quả trong ngăn chặn việc hút thuốc ở thanh thiếu niên.
“Tăng thuế thuốc lá có lợi cho đất nước và người dân” - bà Thủy khẳng định.
Tại hội thảo, TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - thông tin: Thuốc lá gây nên hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có hàng chục nghìn ca tử vong do thuốc lá, trong khi Tổng cục Thống kê cho biết mức tiêu thụ thuốc lá đang tăng trở lại. Do đó, tăng thuế thuốc lá là cách hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc lá.
Bà Angela Pratt lưu ý: “Những tháng tới đây, ngành công nghiệp thuốc lá sẽ đấu tranh để chống lại việc giảm mức tiêu thụ sản phẩm. Tôi kêu gọi các bạn hãy cảnh giác và đừng mắc bẫy các chiêu trò của ngành công nghiệp thuốc lá”.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng WHO tại Việt Nam - cho hay: Ở Việt Nam, sữa cho trẻ thì quá đắt mà thuốc lá lại quá rẻ. Sản lượng và tiêu thụ thuốc lá gần đây tăng nhanh. Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới. Thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Số thu thuế từ thuốc lá quá thấp. Thị trường lại quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, dẫn đến người dân và trẻ em dễ dàng tiếp cận và lựa chọn.
Đại diện của WHO kết luận: "Tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong".
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế - dẫn chứng chính người thân của mình bị ung thư phổi sau thời gian dài sử dụng thuốc lá, để thấy tác hại của thuốc lá đối với bệnh không lây nhiễm - căn bệnh đang gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam: Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 81,4% trong số các ca tử vong. Việt Nam có khoảng 160.000 ca tử vong do bệnh tim mạch, gồm đột quỵ, nhồi máu cơ tim, trong đó, 44% số ca tử vong trước 70 tuổi; chiếm tổng số 73,7% chi phí gánh nặng bệnh tật. Việt Nam có 15 triệu người mắc tăng huyết áp, 4,5 triệu người mắc đái tháo đường, 2 triệu người mắc phổi tắc nghẽn mãn tĩnh, 354.000 người mắc bệnh ung thư.
Cũng theo bà Thủy, mỗi năm, Việt Nam có 40.000-70.000 ca tử vong sớm do sử dụng thuốc lá. Chi phí y tế do các bệnh liên quan đến thuốc lá tới 108 nghìn tỷ đồng, trong khi thu thuế từ thuốc lá chỉ là 17,6 nghìn tỷ, chưa bằng 1/5 chi phí y tế.
Từ gánh nặng của bệnh không lây nhiễm, đại diện Bộ Y tế khẳng định: Tăng thuế thuốc lá là phù hợp với định hướng, quan điểm của Đảng, nhà nước. Mức tăng thuế như đề xuất của Bộ Y tế là phù hợp để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, phù hợp với khuyến cáo của WHO và thực trạng của Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị không đưa vào Luật này các quy định liên quan đến sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới, vì hiện nay còn chưa rõ khái niệm về sản phẩm do chưa có cơ sở pháp lý. Nhiều quốc gia đang cấm kinh doanh các sản phẩm có hại cho sức khỏe này.
Tại hội thảo, bà Thủy cũng nhắc đến việc Việt Nam đã tham gia Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá, đồng thời, Bộ Chính trị đã có Quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, nên đề nghị các nhà báo khi truyền thông về vấn đề thuốc lá cần hết sức thận trọng, tránh bị nhóm lợi ích lợi dụng và cũng để bảo vệ mình.
Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn chỉ ra sự thật phía sau những quan ngại về tăng thuế thuốc lá mà ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra để chống lại việc tăng thuế: Cho rằng tăng thuế thuốc lá sẽ tác động tới việc làm là không có cơ sở, việc làm trong ngành thuốc lá rất nhỏ, chỉ từ 0.39% đến 0.42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Thực tế, do tác động của cải tiến công nghệ, không tăng thuế thuốc lá thì việc làm trong ngành thuốc lá cũng tăng, giảm tùy năm. Nghiên cứu cho thấy lợi ích kinh tế của việc trồng thuốc lá không lớn, nhưng nông dân trồng thuốc lá có rủi ro cao về sức khỏe.
Quan điểm của ngành thuốc lá về việc tăng thuế làm tăng buôn lậu cũng được ông Sơn phân tích: Tiêu dùng thuốc lá lậu tại Việt Nam không phụ thuộc vào sự tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi tỷ lệ thuốc lá lậu năm 2015-2017 giảm đáng kể so với 2010-2012, dù tăng thuế vào năm 2016. Giá thuốc lá lậu cao hơn thuốc lá hợp pháp 30-60%, nhưng 90% tập trung vào một số nhãn thuốc, cho thấy không phải vì giá mà vì thị hiếu.
Sau khi phân tích tình hình ở các nước, ông Sơn kết luận: Rất cần tăng thuế để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ thuốc lá và giảm tiêu dùng.
Ông Sơn kiến nghị: Chính sách thuế cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe, giảm bệnh tật/tử vong và chi phí y tế. Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ cao và có thay đổi định kỳ. Tỷ lệ tất cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ
“Hàng năm rất nhiều người chết vì thuốc lá, tại sao lại trì hoãn việc tăng thuế thuốc lá?” Ông Sơn đặt câu hỏi.
Thuốc lá - nguyên nhân của25 loại bệnh ung thư, tim mạch
Bác sỹ Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức Healbridge Canada tại Việt Nam - cũng cho biết: Thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: Ung thư, tim mạch, hô hấp và sinh sản ...
Cùng với bệnh tật và chết chóc, sử dụng thuốc lá còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế: Chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022).
Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia, bao gồm: 16.400 tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5.900 tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85.800 tỷ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra còn 49.000 tỷ đồng chi cho mua thuốc lá hút.
Vì thế, đại diện HealthBridge nhấn mạnh: Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tỷ trọng thuốc lá lậu thấp ở các nước có giá thuốc lá cao
Đó là quan điểm đồng thuận của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế tại hội thảo.
WHO phân tích số liệu từ 94 quốc gia cho thấy không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá. Một số quốc gia có giá thuốc lá thấp lại có mức buôn bán bất hợp pháp cao nhất, ví dụ: Pakistan giá thuốc lá là 0,39 USD/bao và tỷ trọng thuốc lá lậu là 40%, Ethiopia (0,55 USD/bao và tỷ trọng thuốc lá lậu 32,9%), Ghana (1,06 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 29%) và Cameroon (0,89 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 25%).
Ngược lại, nhiều quốc gia có giá thuốc lá ở mức cao từ 4-8 USD/bao, thì thị phần buôn bán bất hợp pháp chỉ dưới 10% tổng lượng tiêu thụ: Hàn Quốc giá thuốc lá là 4,02 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 0,8%, Séc (4,31 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 2,9%).
Một số quốc gia có giá thuốc lá ở mức rất cao, trên 8 USD/bao, cũng có tỷ trọng thuốc lá lậu ở mức thấp dưới 10%: Thụy Sĩ (8,71 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 5,5%), Singapore (10,35 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 3,7%) và Na Uy (14,51 USD/bao, tỷ trọng thuốc lá lậu 9,6%).
Báo cáo của Worldbank cho thấy phần lớn dân số và đặc biệt là người nghèo được hưởng lợi khi giá thuốc lá tăng. Bởi việc tăng thuế thuốc lá làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng hóa do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.