Vì sao thất bại của Triệu Vân không khiến binh sĩ bỏ chạy như Quan Vũ?
Quan Vũ và Triệu Vân đều từng thất bại trên chiến trường, nhưng binh sĩ dưới quyền hai danh tướng này lại phản ứng hoàn toàn trái ngược. Nguyên nhân thực sự nằm ở đâu?
Quan Vũ thất bại, đại quân tan rã
Quan Vũ là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục Hán, đồng thời là một trong Ngũ hổ tướng lừng danh gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung. Theo “Tam Quốc diễn nghĩa”, ông quen biết Lưu Bị từ những ngày đầu khởi nghiệp, cùng tham gia khởi nghĩa Khăn Vàng, trở thành huynh đệ kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, đồng thời là trụ cột vững chắc của Thục Hán trong nhiều trận đánh lớn.
Dù lập nhiều chiến công hiển hách, Quan Vũ vẫn không tránh khỏi thất bại. Tháng 7 năm 219, ông dẫn đại quân đánh Tào Tháo trong chiến dịch Tương – Phàn. Ban đầu, ông giành được nhiều thắng lợi, nhưng sau khi Giang Lăng – một huyện thuộc Kinh Châu – thất thủ, Quan Vũ buộc phải quay về ứng cứu. Do lơ là phòng bị, ông bị Đông Ngô bất ngờ đánh úp Kinh Châu. Hai quận Giang Lăng và Công An nhanh chóng rơi vào tay Đông Ngô, trong khi vợ con binh sĩ bị bắt sống.
Đáng chú ý, tướng Đông Ngô là Lã Mông lại đối đãi tử tế với người nhà của các tướng sĩ Kinh Châu, không chỉ không hạ nhục họ mà còn cấp phát cơm áo, thuốc men. Tin tức này lan truyền nhanh chóng, khiến tinh thần chiến đấu của binh sĩ dưới quyền Quan Vũ suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng tự ý rút lui.

Ảnh minh họa.
Quan Vũ từng có cơ hội chạy về Thượng Dung hoặc Phòng Lăng, nhưng do xung đột cá nhân với Mạnh Đạt và Lưu Phong – các tướng trấn thủ tại đó – nên buộc phải chuyển hướng chạy xuống phía nam, tới Mạch Thành. Tuy nhiên, viện binh không đến, binh lính lần lượt đào ngũ, chỉ còn Quan Vũ cùng con nuôi Quan Bình và một ít binh sĩ chạy về phía bắc, hy vọng tới được Ích Châu hoặc Hán Trung.
Khi đến Lâm Thư, Quan Vũ bị quân Đông Ngô phục kích bắt sống. Ông và Quan Bình bị hành quyết tại chỗ. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt bi thảm cho Thục Hán, không chỉ mất Kinh Châu mà còn khiến chiến lược “Long Trung đối sách” của Gia Cát Lượng không còn khả thi.
Triệu Vân thất bại, binh sĩ vẫn sát cánh
Trái ngược với Quan Vũ, Triệu Vân được đánh giá là võ tướng toàn diện bậc nhất thời Tam Quốc. Không chỉ dũng mãnh, ông còn nổi tiếng là người có mưu lược, suy nghĩ thấu đáo và bình tĩnh trong mọi tình huống. Dù tham chiến ở tuổi đã cao, ông vẫn là chỗ dựa vững chắc cho binh sĩ.
Triệu Vân chỉ thất bại duy nhất một lần khi tham gia chiến dịch Bắc phạt lần thứ nhất năm 228 do Gia Cát Lượng chỉ huy. Dù chiến dịch khởi đầu thuận lợi, nhưng do sai lầm chiến lược của Mã Tắc tại Nhai Đình – vị trí trọng yếu – khiến quân Thục phải rút lui.
Trong lúc hiểm nghèo, Triệu Vân vẫn thể hiện sự tài tình khi dùng kế nghi binh cố thủ, phóng hỏa thiêu rụi Cơ Cốc, khiến Tào Chân không thể truy kích. Ông đảm nhận vai trò chặn hậu và tổ chức rút quân có trật tự, giúp đại quân tránh được tổn thất nặng nề.
Gia Cát Lượng sau đó đã cho phép ông lấy vải vóc thưởng cho binh sĩ, nhưng Triệu Vân từ chối với lý do mình vừa thất bại nên không đáng được vinh danh. Dù chịu thất bại, quân sĩ của ông không rời bỏ mà vẫn sát cánh bên vị chủ tướng trung nghĩa, đầy tài đức.
Sự khác biệt nằm ở con người, không chỉ ở tài năng
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến binh sĩ bỏ chạy sau thất bại của Quan Vũ nhưng vẫn trung thành với Triệu Vân nằm ở phong cách lãnh đạo và cách đối đãi với binh lính.
Quan Vũ tuy có võ nghệ cao cường và uy tín lẫy lừng, nhưng lại nổi tiếng kiêu ngạo, ít khi coi trọng người khác, đặc biệt là các sĩ phu. Ông thường không thể hiện tình cảm với binh sĩ và đặt nặng kết quả chiến thắng. Khi còn thắng, ông dễ thu hút lòng trung thành. Nhưng khi thất bại, binh lính dễ dàng mất niềm tin và tìm đường tháo chạy.
Ngược lại, Triệu Vân luôn sống gần gũi, thân thiết và tận tình chăm lo cho binh sĩ dưới quyền. Chính sự gắn kết này khiến quân sĩ sẵn sàng đồng cam cộng khổ, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc một vị tướng muốn duy trì lòng trung thành của quân sĩ không chỉ cần tài năng, mà còn cần trái tim biết cảm thông và sẻ chia.