Vì sao thuốc, thiết bị y tế vẫn thiếu?

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến thuốc và thiết bị y tế vẫn trong tình trạng khan hiếm.

Giải trình, làm rõ tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã lý giải về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói rằng thiếu thuốc và thiết bị y tế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói rằng thiếu thuốc và thiết bị y tế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo người đứng đầu ngành Y, có nguyên nhân chủ quan và khách quan liên quan tới việc thiếu thuốc, thiết bị y tế dù ngành Y là một trong những ngành được ưu tiên nhất liên quan đến cơ chế, chính sách để giải quyết việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Chẳng hạn như các đơn vị khác khi triển khai thực hiện mua sắm vẫn phải đảm bảo 3 báo giá thì riêng ngành Y tế đã có những quy định tháo gỡ là chỉ cần có một báo giá trong trường hợp cần thiết vẫn đảm bảo được việc mua sắm.

Bên cạnh đó, vấn đề giá thấp nhất, đã có văn bản tháo gỡ là trong trường hợp cần thiết nếu vật tư y tế đó mà không phải là giá thấp nhất thì ngành y tế vẫn có thể được mua nếu được Hội đồng khoa học đảm nhận và làm rõ được các nội dung. Luật Đấu thầu hiện nay cũng đưa được ra nhiều các nội dung mua sắm đặc thù cho ngành Y tế.

Với những nghị quyết của Quốc hội tháo gỡ kể cả về mặt nguồn cung thuốc và trang thiết bị vật tư y tế thì nguồn cung đã được tháo rồi, cơ chế, chính sách mua sắm đã được tháo rồi nhưng tại sao chúng ta vẫn còn thiếu?

Hiện nay vấn đề mua thuốc có 3 nơi đảm nhận. Bộ Y tế chỉ phụ trách vấn đề đấu thầu tập trung cấp quốc gia, chỉ chiếm khoảng từ 16 đến 18% tổng số, còn lại là đấu thầu tập trung cấp tỉnh và các cơ sở trực tiếp chủ động mua sắm cho mình.

Trong tháng 8, tháng 10, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản đề nghị các nơi tổng hợp lại những vấn đề còn vướng mắc để Bộ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Qua công tác tổng hợp Bộ Y tế nhận thấy có mấy điểm nghẽn sau. Đầu tiên, do việc triển khai thực tế ở địa rất nhiều đơn vị phương giao cho những đơn vị đấu thầu. Các bác sĩ làm chuyên môn, chưa có chuyên môn sâu về đấu thầu nên trong quá trình làm còn lúng túng.

Tiếp theo, việc phân cấp phân quyền. Hiện Bộ Y tế đã phân cấp toàn diện cho các cơ sở thuộc Bộ đảm nhiệm việc mua sắm.

Tuy nhiên, ở địa phương cũng có nơi các cơ sở y tế cũng chỉ đảm bảo mua dưới 100 triệu đồng, trên 100 triệu đồng phải trình qua Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND tỉnh phê duyệt nên việc mua sắm rất lâu. Bộ mong thời gian tới các tỉnh rà soát lại quy định này làm sao đảm bảo được vừa quản lý được và trao quyền cho các đơn vị.

Với việc thiếu trang thiết bị y tế theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có quy định về hình thức vay mượn, ứng trước đối với trang thiết bị, vật tư y tế. Các đơn vị cũng đang triển khai hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để đảm bảo tính lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, trong các quy định về mua sắm, đấu thầu không có hình thức vay mượn, vay trước, trả tiền sau hoặc vay rồi mới đấu thầu để trả lại. Khi chống dịch Covid-19, chúng ta đi vay kit test, khi hết dịch không thể trả bằng hình thức hiện vật.

Nhưng với nhu cầu cho công tác phòng, chống dịch, một loại dịch chưa từng có tiền lệ và rất cấp bách, vấn đề đảm bảo sinh mạng, sức khỏe của người dân là lên trên hết, trước hết, chính vì vậy trong thời gian vừa qua trong thực tiễn có vấn đề các cơ sở y tế có hình thức phải tạm ứng hoặc vay mượn để làm sao đảm bảo được nhu cầu chữa bệnh cũng như vấn đề xét nghiệm.

Đến thời điểm này, Nghị quyết 99 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng, cố gắng sớm nhất trước ngày 31/12/2024 sẽ giải quyết được vấn đề vay mượn ở các cơ sở y tế.

Đây cũng là một việc khó, Bộ Y tế đã phối hợp cùng với UBND các tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Y tế đã có 02 công văn gửi Ủy ban dân các tỉnh đề nghị các tỉnh báo cáo về thực trạng tình hình vay mượn của địa phương cũng như là của các cơ sở y tế như thế nào.

Đến nay, Bộ Y tế đã thống kê của 48 địa phương và 7 bộ, ngành cũng như của các cơ sở y tế thuộc Bộ; hiện nay số vay mượn theo số báo cáo chính thức là 1.693 tỷ, trong đó vay mượn về mặt thuốc men, sinh phẩm khoảng 754 tỷ, về kit test khoảng 939 tỷ.

Trên cơ sở này, phân loại ra các hình thức vay mượn là những loại gì, vay đã có hợp đồng đấu thầu hay đã được đàm phán giá hoặc chưa có một cái gì cả để từ đó xây dựng phương án xử lý cho triệt để.

Hiện, Bộ Y tế cũng đang giao cho các đơn vị của Bộ xây dựng các phương án, báo cáo để có cơ chế xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế cũng như là giải quyết các vấn đề lâu dài.

Từ thực tiễn hoạt động, nhiều cơ sở y tế đã có các kiến nghị để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Ông Trịnh Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương mong muốn một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện đấu thầu, mua sắm sớm được các bộ, ngành liên quan tháo gỡ.

“Y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, tính chất đặc thù rất cao, để mua được máy móc, thuốc, vật tư, cần các quy định mua sắm có tính chất đặc thù cho một nghề nghiệp đặc thù”, ông Hải kiến nghị.

Nêu ví dụ, có những loại máy, vật tư chỉ có 1 hãng trên thế giới sản xuất, hoặc chỉ có 1 nhà phân phối tại Việt Nam, TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh, việc các cơ sở y tế áp dụng hình thức mua sắm thông thường cho vật tư, hóa chất có tính chất đặc thù có rất nhiều bất cập.

“Mua sắm trong y tế là đặc thù, không thể áp dụng như hàng hóa thông thường”, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nêu quan điểm.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đấu thầu trong thời gian qua, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho rằng, cần có sự điều phối nhịp nhàng giữa nơi thiếu và nơi đang có thuốc, vật tư y tế của sở y tế cũng như ngay trong mỗi bệnh viện để đạt mục tiêu cao nhất là người bệnh không thiếu thuốc điều trị.

“Khi thiếu thuốc cục bộ, các tỉnh không nên đặt nặng vấn đề bệnh nhân của tỉnh tôi, bệnh nhân của tỉnh anh, mà cần có sự liên kết, hỗ trợ để người bệnh không phải điều trị quá xa nhà, không phải chuyển lên tuyến trung ương, gây quá tải không đáng có”, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái nói.

Liên quan vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ ra một trong những điểm bất cập nhất liên quan đến mua sắm thuốc, vật tư y tế hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và không phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua “khe cửa hẹp” để trúng thầu với giá rẻ.

“Chính vì vậy, cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế”, ông Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số ý kiến kiến nghị, cần giao trách nhiệm cho người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao quyền cho bệnh viện, đồng thời cũng quy định rõ bệnh viện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người bệnh liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Theo báo cáo của 1.076 sơ sở y tế trên toàn quốc với Bộ Y tế trong tháng 10/2023, có 67,41% đơn vị báo cáo đã đủ cung ứng đã thuộc cho hoạt động khám, chữa bệnh. 38,59% đơn vị báo cáo cáo có tình trạng thiếu cục bộ.

Có những đơn vị trước đây rất khó khăn nhưng nay đã thực hiện đấu thầu đảm bảo cơ bản cho công tác khám chữa bệnh (như Bệnh viện Bạch Mai từ đầu năm tới nay đã thực hiện được 35 gói thầu mua vật tư, hóa chất, máy móc ).

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vi-sao-thuoc-thiet-bi-y-te-van-thieu-d203428.html