Vì sao trường nghề khó tuyển sinh?
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết cơ sở vật chất xuống cấp, phương tiện kỹ thuật dạy học lạc hậu của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trường nghề là nguyên nhân khiến sinh viên không hứng thú học tập.
Ngày 9-11, hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Hiệu trưởng các trường CĐ, trung cấp trên địa bàn TP HCM và Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) được tổ chức tại Trường CĐ Kinh tế TP HCM.
Còn nhiều bất cập
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng các trường CĐ, trung cấp, nhấn mạnh TP HCM là địa phương có số lượng lao động đã qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao, gần 87 % so với cả nước.
Mặc dù giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP HCM những năm gần đây có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất cập. Phó Chủ tịch UBND TP đặt vấn đề tại sao cùng đào tạo nghề nhưng có trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu, học viên ra trường có việc làm ngay, có trường quanh năm "khát" học viên.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Hiệu trưởng các trường CĐ, trung cấp, cho biết TP HCM có 376 cơ sở GDNN. Quy mô đào tạo các trình độ GDNN tính đến tháng 9- 2023 là 430.6901 người học.
Theo ông Thinh, kết quả tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ không đạt chỉ tiêu nhiều năm, một phần do ảnh hưởng từ chính sách tuyển sinh trình độ ĐH, một phần ảnh hưởng do uy tín của các trường trung cấp, CĐ khi đào tạo.
Ông Thinh chỉ rõ, đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều trường có cơ sở vật chất xuống cấp, phương tiện kỹ thuật dạy học lạc hậu, điều kiện học tập không thu hút người học.
Kết quả tuyển sinh ở các nghề đào tạo ngắn hạn chiếm tỉ trọng cao đã phản ánh phần nào xu hướng chọn nghề của người học, muốn học nghề nhanh, sớm tham gia thị trường lao động.
Cần xây dựng thương hiệu cho trường nghề
Đại diện nhóm ngành cơ khí – tự động hóa, TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, đề xuất đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN: Mở rộng hợp tác quốc tế để trao đổi chương trình đào tạo, trao đổi nhà giáo, chuyên gia đào tạo; chuyển giao công nghệ, phương pháp giảng dạy; hợp tác nghiên cứu khoa học về GDNN, nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ đào tạo nghề nghiệp tiên tiến để nâng cao chất lượng GDNN; tích cực tham gia các hoạt động quốc tế về GDNN.
"Để đạt được mục tiêu mà UBND TP đã đề ra trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa thì công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này rất cần sự chủ động, tích cực của các cơ sở đào tạo (ĐH và GDNN), sự phối hợp của các doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của TP" - TS Lê Đình Kha nhận định.
Đối với nhóm ngành du lịch – khách sạn – nhà hàng, ThS Võ Thị Mỹ Vân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch Khách sạn Saigontourist, đề xuất Sở LĐ-TB-XH TP HCM có chiến lược truyền thông cho các trường thuộc khối GDNN như ban hành cẩm nang tuyển sinh chung cho khối hoặc phối hợp với Sở GD-ĐT TP ra cẩm nang tuyển sinh, định hướng cho học sinh lớp 9 và lớp 12 chọn học nghề; đẩy mạnh trang thông tin điện tử giới thiệu về trường nghề đến hệ thống các trường THPT và THCS.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, GDNN phải đảm bảo cung ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. "Chúng ta cần phải chuẩn hóa khung chương trình đào tạo, đặc biệt là những ngành mũi nhọn của TP. Chuẩn hóa không phải là chương trình đào tạo giống nhau. Các trường CĐ, trung cấp cần xác định rõ đâu là thế mạnh để xây dựng thương hiệu cho mình" – ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo TP đề nghị 8 tiểu ban trong Hội đồng và sở Sở LĐ-TB-XH sớm xây dựng và ban hành kế hoạch năm 2024, không ôm đồm, phải đạt ra những mục tiêu cụ thể.
Cũng trong chiều 11-9, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã tặng hoa và gửi lời chúc sức khỏe đến đội ngũ giáo viên đang công tác tại các cơ sở GDNN ở TP HCM.
"Hội nghị đã quy tụ rất đông các cơ sở GDNN và các chuyên gia trong lĩnh vực nghề nghiệp về trao đổi. Đây cũng là dịp để đội ngũ nhà giáo nhìn lại quá trình lao động và cống hiến với nghề. Thông qua hội nghị, đại diện các trường CĐ, trung cấp cũng rút ra những kinh nghiệm đào tạo, khắc phục những hạn chế còn tồn đọng" - ThS Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế KENT, bày tỏ.