Vì sao Úc chấp nhận xích mích để có được tàu ngầm hạt nhân?
Tàu ngầm hạt nhân có thể di chuyển xa hơn, nhanh hơn nhiều so với tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện, điều này giúp hải quân Úc có thể tiến hành các cuộc tuần tra dài ngày hơn, khả năng chịu áp lực cao hơn trong các vùng biển tranh chấp.
Một tàu ngầm lớp Collins
Chính phủ Úc tuyên bố chấm dứt thỏa thuận với Pháp về việc trang bị các tàu ngầm diesel-điện mới và thay vào đó, chính quyền Canberra ký thỏa thuận mới với Mỹ và Anh, phát triển ít nhất tám tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới.
“Đây là cơ hội lịch sử để bảo vệ các giá trị chung và thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, chính phủ Úc tuyên bố.
Quyết định trên đã dẫn đến những cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Pháp với Mỹ.
Trong khi đó Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng liên minh ba nước Mỹ - Anh - Úc (mang tên gọi AUKUS) là “mô hình Chiến tranh Lạnh lỗi thời” và đe dọa Canberra “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Theo giới chức Úc, tàu ngầm hạt nhân giúp hải quân nước này có thể di chuyển xa hơn, nhanh hơn nhiều so với tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel-điện, qua đó giúp hải quân Úc có thể tiến hành các cuộc tuần tra dài ngày hơn, khả năng chịu áp lực cao hơn trong các vùng biển tranh chấp.
"Khi họ nhìn ra vùng biển tranh chấp, các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc sẽ phải tự hỏi: có tàu ngầm Úc đang ẩn nấp gần đó không", AP dẫn lời quan chức quân sự Úc.
Theo thỏa thuận mới, Úc sẽ được Anh và Mỹ cung cấp công nghệ cũng như kỹ thuật chế tạo, vận hành tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này đồng nghĩa hợp đồng mua 12 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Barracuda trị giá gần 40 tỷ USD mà Úc ký với tập đoàn Naval Group của Pháp sẽ bị hủy ngang.