Vì sự phát triển bền vững của đất Chín Rồng
Trong Báo cáo Kinh tế thường niên vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, đã phản ánh thực trạng về một bức tranh 'khá xám' của đồng bằng với hàng loạt các thách thức và đặt ta nhiều vấn đề cho phát triển bền vững. Tại sao sự phát triển kinh tế của ÐBSCL tiếp tục 'tụt lùi' trong nhiều năm liền và vùng đất chín rồng này rất cần một cuộc cách mạng trong tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng trong huy động nguồn lực, nhất là trong điều kiện các tỉnh, thành phố sẽ được sáp nhập lại với nhau.
Cần tháo “nút thắt” về đầu tư
Báo cáo Kinh tế thường niên vùng ÐBSCL năm 2024 được công bố với chủ đề trọng tâm nêu ra chính là: “Huy động đầu tư cho phát triển bền vững”, đã vẽ lên một bức tranh toàn diện về thực trạng kinh tế vĩ mô, cùng những cơ hội, thách thức trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư, nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững cho ÐBSCL. Trong đó, “nút thắt đầu tư” chính là thách thức lớn nhất đối với kinh tế ÐBSCL. Bởi thiếu hụt đầu tư đã trở thành một trong những nguyên nhân cốt lõi tạo ra “vòng xoáy đi xuống” của nền kinh tế ÐBSCL trong nhiều năm qua.
Khu vực ÐBSCL tuy được coi là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực với đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, nhưng khu vực này lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp. Cụ thể, nếu tính theo bình quân đầu người so sánh trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, thì ÐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước.
Hệ quả của việc thiếu đầu tư này chính là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu. Mặt khác, đầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng nhất nhưng lại tăng trưởng rất chậm. Hệ quả là trong 10 năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân vào ÐBSCL giảm từ 14,9% của cả nước xuống chỉ còn 12,4%. Ðầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân đã yếu, nhưng việc phát triển và tăng thêm nguồn lực mới lại càng khó khăn hơn, nhất là các tỉnh nằm xa các trung tâm kinh tế lớn. Ðiển hình tỉnh Bạc Liêu năm 2024 chỉ có hơn 350 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 79,1% kế hoạch, với số vốn đăng ký 3.238 tỷ đồng. Song, lại có đến 340 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (giải thể), tăng 18,9% so với cùng kỳ. Riêng quý I năm 2025, toàn tỉnh Bạc Liêu chỉ có hơn 80 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 900 tỷ đồng và giảm 19,6% về vốn so với cùng kỳ. Ðáng quan tâm là có đến 160 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và tăng gấp đôi so với số doanh nghiệp thành lập mới.

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Bạc Liêu đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Cùng với đó, khu vực ÐBSCL còn đứng trước hàng loạt các “rào cản” đối với việc huy động đầu tư vào khu vực này. Ðặc biệt có đến “bốn nhóm” rào cản chính đang kìm hãm dòng vốn đầu tư vào ÐBSCL. Thứ nhất, là hạ tầng giao thông và logistics yếu kém mà cụ thể là khu vực ÐBSCL thiếu kết nối với các trung tâm kinh tế lớn như TP Hồ Chí Minh, chi phí vận tải cao và chuỗi cung ứng chưa đồng bộ. Trong đó, có những tỉnh gần như bị tách biệt hoàn thành với các thành phố và trung tâm kinh tế lớn. Thứ hai, thiếu hụt lao động có tay nghề và khu vực ÐBSCL có tỷ lệ di dân cao nhất; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất cả nước, trong khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Thứ ba, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là thực trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún đất và nước biển dâng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, mà cụ thể là các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu... liên tiếp phải ứng phó với tình trạng sụp lún, sạt lở, hạn hán, thiếu nước ngọt và cả xâm nhập mặn là một minh chứng. Và cuối cùng chính là môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đủ thuận lợi. Trong đó, chính sách thu hút đầu tư thiếu hấp dẫn, quy trình hành chính phức tạp, khó tiếp cận đất đai và tài chính...
Ưu tiên cho những “cú huých” mới
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ: “Ðể giải quyết các khó khăn này, khu vực ÐBSCL nói chung và các tỉnh nói riêng cần nghiên cứu, tập trung và ưu tiên vào “bốn nhóm” giải pháp then chốt để tháo gỡ nút thắt đầu tư và thúc đẩy phát triển bền vững cho ÐBSCL. Ðây được xác định là những “cú huých” quan trọng, góp phần hóa giải các thách thức, nguy cơ tụt hậu và chủ động tăng tốc, hội nhập”.
Theo đó, các chính sách cần tập trung vào xác định chính xác ưu tiên đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng nguồn lực tài chính từ cả khu vực công và tư nhân, đặc biệt đầu tư công hiệu lực và hiệu quả là điều kiện then chốt để thu hút đầu tư tư nhân vào ÐBSCL.
Cùng với đó, đưa chuyển đổi số thành trọng tâm của chiến lược đầu tư và phát triển với ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet tốc độ cao làm tiền đề cho chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ðiều này, sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất của cả khu vực công và tư trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư eo hẹp. Ðồng thời, tăng sức hấp dẫn của ÐBSCL đối với các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ. Song song đó, cần tái cơ cấu phân bổ đầu tư công theo hướng ưu tiên hạ tầng giao thông và viễn thông, logistics và chuyển đổi số. Ðồng thời, tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm về giao thông như: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và hệ thống logistics nông sản. Mặt khác, phải tạo ra môi trường thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân và FDI thông qua quyết tâm cải thiện thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép và cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến sâu và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, phát triển mô hình hợp tác công - tư (PPP) bằng việc huy động vốn tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là giao thông và logistics. Cũng như, phát động các phong trào thi đua xây dựng mô hình nông thôn sinh thái và đô thị xanh để nâng cao chất lượng sống, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về ÐBSCL.
Về tầm nhìn, với quyết tâm đảo ngược xu hướng suy giảm kinh tế, các tỉnh khu vực ÐBSCL cần một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ khi thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững, khu vực này mới có thể tận dụng được tiềm năng kinh tế to lớn của mình, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo sinh kế bền vững. Song, để thực hiện tốt các giải pháp này, cần sự đoàn kết, chung tay của cả vùng với mục tiêu tất cả vì “đất Chín Rồng” phát triển thịnh vượng, phồn vinh./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/vi-su-phat-trien-ben-vung-cua-dat-chin-rong-a38546.html