Vị Tăng sĩ trẻ và dự án Phật học Tinh hoa Thế giới
Phật học Tinh hoa Thế giới là tên gọi một dự án dịch thuật và xuất bản các tác phẩm nghiên cứu Phật học bằng tiếng Anh được viết bởi các nhà nghiên cứu có tên tuổi ở phương Tây. Dự án này được khởi xướng và điều hành bởi Đại đức Thích Pháp Cẩn, một vị tu sĩ trẻ có đam mê đặc biệt với học thuật Phật giáo.
Quy tụ một số lượng dịch giả là những Tăng Ni, cư sĩ có trình độ chuyên môn cao về Phật học lẫn thế học, với thành quả là trên 10 đầu sách đã được xuất bản và đưa đến tay độc giả Việt Nam trong năm 2024, đó là những thành quả cụ thể mà dự án Phật học Tinh hoa thế giới đã đạt được trong giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên, theo chia sẻ từ Thầy Pháp Cẩn, đây mới chỉ là một chặng đường rất nhỏ so với ý nguyện mà bản thân thầy lẫn các cộng sự đặt ra.
Nhân dịp đầu xuân, Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện thân mật với Đại đức Thích Pháp Cẩn, Giám đốc điều hành dự án Phật học Tinh hoa Thế giới để lắng nghe những chia sẻ từ thầy về dự án đầy tâm huyết của mình và các cộng sự:
- Xuất phát điểm của tôi là một hành giả thiền. Tôi có một thời gian dài thọ học và thực tập qua nhiều truyền thống khác nhau như: Trúc Lâm, Làng Mai, Vipassana,… Cùng với sự thực hành thiền, tôi cũng có thời gian học tập Phật pháp qua lăng kính của thiền. Tuy vậy, mong muốn của tôi luôn là được học Phật pháp một cách bài bản, hệ thống hơn. Điều đó đã thôi thúc tôi lên đường sang Mỹ du học vào năm 2013. Đó cũng là lần đầu tiên, tôi có cơ hội tiếp xúc với Phật học hàn lâm. Trong thời gian học tập, tôi được giáo sư giới thiệu các tài liệu Phật học mang tính hàn lâm và cập nhật của giới nghiên cứu và học giả phương Tây. Qua đó, tôi thấy điều này bổ sung thêm nhiều cho nhận thức của mình về Phật giáo.
Khi vào tu học trong chùa hay thiền viện, hành giả sẽ được học qua các kinh, luật truyền thống và các bộ luận liên quan đến truyền thống tu học của mình, sau đó thực hành và phát triển thêm. Trong khi đó, việc nghiên cứu Phật học trong hệ thống trường viện phương Tây phải đi theo quy chuẩn từ cơ bản với các môn phổ thông, tiếp đó là tới các môn đại cương trước khi đi chuyên sâu vào lĩnh vực Phật học. Hai cách học này đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Một bên sẽ tiếp cận trực tiếp, mang tính phổ thông còn một bên phải trải qua một quá trình khá dài, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu kết hợp được ưu thế của cả hai cách học này sẽ rất tốt.
Trong quá trình học, nhiều băn khoăn nảy sinh khi tôi tiếp cận với các tài liệu được những học viên châu Á sử dụng, đa phần đều theo truyền thống và thiếu tính cập nhật, bổ sung các nghiên cứu mới từ giới học thuật. Băn khoăn này cũng chính là động lực khiến tôi ấp ủ và tìm cách thực hiện dự án biên dịch và xuất bản ra tiếng Việt các tác phẩm nghiên cứu Phật học có giá trị.
* Thầy có thể chia sẻ thêm một số thông tin về dự án Phật học Tinh hoa Thế giới mà thầy đã và đang triển khai trong thời gian qua?
- Dự án Phật học Tinh hoa Thế giới tính đến nay đã trải qua được khoảng 2 năm rưỡi, kể từ khi ra đời. Chúng tôi lập một danh sách khoảng 300 đầu sách của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu Phật học, đến từ 15 trường đại học lớn trên thế giới có uy tín về chuyên khoa này. Trong đó có 2 trường hàng đầu tại châu Âu là: Oxford, Cambridge và 13 trường tại Hoa Kỳ như: Harvard, Chicago, Yale, Princeton,… Số đầu sách này được chia ra thành 20 tủ sách về nhiều chủ đề: Thiền học Phật giáo, Tâm lý học Phật giáo, Đạo đức học Phật giáo, Lịch sử Phật giáo, Sự hình thành Phật giáo… để triển khai biên dịch.
Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi có liên hệ và mời các dịch giả cùng tham gia dự án. Hiện nay, dự án có khoảng 70 người làm việc, trong đó riêng nhóm biên dịch, hiệu đính có trên 40 thành viên, đa phần có học vị tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh tại các nước, có trình độ chuyên môn về Phật học..
* Cốt lõi và mục tiêu mà dự án biên dịch và xuất bản này hướng đến là gì, thưa thầy?
- Một trong những cái rất hay của đạo Phật đó là khi truyền bá đến đâu, đạo Phật đều có sự hòa nhập với tín ngưỡng và văn hóa bản địa ở đó. Tuy nhiên, đi cùng với sự dung hòa này cũng kéo theo những hệ quả khác như sự mê tín hay sự biến dị trong nhận thức của số đông về Phật giáo. Do đó, việc nghiên cứu và trình bày những giáo lý cốt lõi, tư tưởng Phật học một cách chuẩn xác, cởi mở và khoa học hơn là điều hết sức cần thiết.
Cốt lõi được chúng tôi xây dựng để từ đó lựa chọn các đầu sách đưa vào dự án này là tính hàn lâm và cập nhật trong nội dung. Những đầu sách được lựa chọn, theo mong muốn và đánh giá của chúng tôi, ngoài việc đưa đến cho người đọc một cái nhìn sáng tỏ, cụ thể và chân thực hơn về Phật giáo, còn đảm bảo yếu tố chuẩn mực để độc giả, đặc biệt là quý Tăng Ni sinh có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo, nghiên cứu. Giúp tiệm cận với các công trình nghiên cứu Phật học của các chuyên gia uy tín trên thế giới.
Chúng ta thấy trong nghiên cứu khoa học, việc cập nhật các nhận thức mới, bổ sung về mặt tài liệu, quan điểm nghiên cứu là điều luôn được chú trọng thực hiện. Trong các ngành khoa học xã hội, nhân văn, tốc độ cập nhật có thể chậm hơn, trong khoảng 5 đến 10 năm. Trong nghiên cứu tôn giáo, trong đó có Phật học, độ cập nhật nghiên cứu có thể nằm trong khoảng 20 năm. Đó là một trong số những cơ sở để chúng tôi xác định và lựa chọn các đầu sách cho dự án.
* Khó khăn trong công việc là điều chắc chắn luôn phải có, tuy nhiên, ở đây, thầy có thể chia sẻ về những trợ duyên và thuận lợi trong quá trình thực hiện Phật học Tinh hoa Thế giới?
- Khi chúng tôi trình bày dự án biên dịch và xuất bản này, nhiều Tăng Ni, cư sĩ thấy được ý nghĩa và sự đồng điệu về quan điểm nên đã cùng tham gia hỗ trợ về dịch thuật, hiệu đính và chỉnh sửa bản dịch các cuốn sách. Các vị đều là những người có trình độ về Phật học, có sự quan tâm đối với nghiên cứu Phật học theo hướng hàn lâm. Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được sự cộng tác, đầu tư từ một số đơn vị xuất bản trong nước để in ấn, phát hành các đầu sách này với khoảng 30 cuốn sách đã và đang chuẩn bị có mặt trên thị trường xuất bản.
* Lựa chọn theo đuổi một dự án dịch thuật và xuất bản về Phật học mang tính hàn lâm và có phần đồ sộ liệu có quá “táo bạo” và nhiều trắc trở trong bối cảnh hiện nay không, thưa thầy?
- Xin thưa là có! TS.Phạm Văn Tuấn, hay còn được biết đến với bút hiệu Thiền Phong, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cũng là một người có tên tuổi trong nghiên cứu Phật giáo, trong một lần trò chuyện đã nhận định rằng: ở Việt Nam hiện nay, rất ít cá nhân hay đơn vị theo đuổi lâu dài việc thực hiện, xuất bản dòng sách nghiên cứu Phật giáo chuyên sâu. Có lẽ vì dòng sách này trên thị trường tương đối kén độc giả, dẫn đến việc khó tiêu thụ. Chưa tính đến chi phí bản quyền của các đầu sách mới về Phật học ở nước ngoài khá cao. Điều này đưa đến khó khăn nhất định về mặt chi phí đầu tư.
- Để theo đuổi được dự án này, bản thân chúng tôi cũng buộc phải tìm nhiều cách để xoay xở, đôi khi cũng khá chật vật. Tuy nhiên, với tâm nguyện của bản thân cũng như sự tâm huyết đến từ các cộng sự, chúng tôi đã và đang cố gắng hết khả năng để duy trì và phát triển dự án này.
Chân thành cảm ơn và chúc thầy đạt được thành quả với dự án đặc biệt của mình!
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/vi-tang-si-tre-va-du-an-phat-hoc-tinh-hoa-the-gioi-post74571.html