Trò chuyện đầu xuân cùng GS. Nguyễn Lân Dũng
GS. Nguyễn Lân Dũng, sinh năm 1938 tại Huế trong gia đình giàu truyền thống hiếu học. Ông là con thứ ba của cố GS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân. GS. Nguyễn Lân Dũng được biết đến là một giáo sư Sinh học, Nhà giáo Nhân dân Việt Nam.
GS. Nguyễn Lân Dũng từng giảng dạy và nghiên cứu tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà, ở tuổi 87, GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, ông cảm thấy hạnh phúc vì vẫn được làm việc, viết sách về trải nghiệm của bản thân để chia sẻ với thế hệ trẻ.
Phóng viên: Xin chào GS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng. Trong dịp đầu xuân năm mới, cảm xúc của ông như thế nào? Có điều gì giáo sư cảm thấy vui nhất khi nhìn lại năm 2024 vừa qua?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Nhìn lại một năm cũ và hy vọng rất nhiều vào một năm mới, năm vừa qua bản thân tôi cũng có nhiều niềm vui, niềm vui chung của cả nước và niềm vui riêng trong gia đình. Hôm nay gia đình tôi thì cũng rất vui, thấy con cái khỏe mạnh, có một cháu đỗ vào Đại học Harvard và cả nhà đều đón mừng những điều vui vẻ của năm mới. Năm nay thì tôi đã sang tuổi 87 nhưng mà vẫn đủ sức để làm việc. Cho đến nay tôi đã viết được khoảng 50 cuốn sách và năm nào cũng có sách mới. Hy vọng rằng vẫn còn đủ sức khỏe để viết tiếp những cuốn sách giúp cho các bạn trẻ có thêm những kiến thức, có thêm niềm vui và có thêm lòng tin vào cuộc sống.
Phóng viên: Trong dịp đầu xuân này, không biết gia đình giáo sư có những hoạt động đón Tết truyền thống như thế nào?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Trong gia đình lớn có cuộc gặp mặt vào ngày mùng 2, còn gia đình nhỏ có những chuyến đi chơi chung, đặc biệt là về thăm mộ của ông bà hai bên và có buổi gặp mặt chung để chúc nhau sức khỏe, chúc nhau thành công trong năm mới. Năm nào gia đình tôi cũng tổ chức những buổi gặp thường xuyên như vậy.
Phóng viên: Như giáo sư vừa chia sẻ, giáo sư đã viết được hơn 50 cuốn sách. Giáo sư có thể chia sẻ về cuốn sách mà mình đã hoàn thành trong năm vừa qua và trong thời gian tới, giáo sư mong muốn tiếp tục nghiên cứu và viết những cuốn sách như thế nào?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi có thói quen là lúc nào cũng phải thấy sách, bởi vì tôi hy vọng rằng những điều mà mình tâm huyết được truyền đạt thêm cho mọi người cùng chia sẻ. Năm vừa rồi tôi viết được cuốn sách mà tôi vô cùng tâm đắc đó là cuốn về trí tuệ nhân tạo, hỏi đáp về mọi chuyện, hướng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi hy vọng mang hiểu biết của mình, chia sẻ cho các bạn trẻ để các bạn trẻ có thêm tri thức và thêm niềm vui, thêm niềm tin vào cuộc sống.
Phóng viên: Trong thời gian qua, giáo sư thấy rằng đổi mới giáo dục đào tạo của nước ta có những dấu ấn nổi bật nào?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Ghi dấu ấn lớn nhất vẫn là lòng yêu tri thức của nhân dân, quan tâm đến học tập của mọi gia đình và đó là điều quyết định nền tảng của giáo dục. Bởi vì khi cả nước đều quan tâm đến giáo dục thì tất nhiên giáo dục sẽ được chú ý và được nâng cao. Tôi rất hy vọng vào giáo dục nước nhà khi cả nước ai cũng quan tâm đến việc giáo dục con cái, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Sự quan tâm của nhân dân sẽ thúc đẩy giáo dục phát triển. Và vì vậy, tôi hi vọng rất nhiều vào sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà.
Phóng viên: Thưa giáo sư, trong những ngày đầu xuân người ta hay nói đến truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về truyền thống tốt đẹp đó và trong thời đại hiện nay, ông nhận thấy nó có sự thay đổi như thế nào so với trước đây?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôn sư trọng đạo là một truyền thống của dân tộc ta. Việc ngày Tết đến thăm thầy cô giáo có ý nghĩa rất lớn, chứng tỏ nhân dân mình đều tôn trọng ngày này. Thế hệ tôi bây giờ các thầy cô đều đã đi xa, đến ngày Tết muốn ghé thăm cũng không còn ai nữa. Tôi thường đón các học sinh cũ, các sinh viên cũ và tôi thấy các bạn trưởng thành, tôi rất mừng. Nhiều bạn rất giỏi và mình nghĩ rằng thế hệ sau giỏi hơn mình là chuyện đáng đáng mừng và tôi rất tin tưởng vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà ngày càng phát triển và đi đúng hướng, tạo ra một cái thế hệ ngày càng giỏi. Nhìn thấy các em đi thi quốc tế được giải thưởng, tôi nghĩ rằng đó là niềm tin của cả nước, niềm hy vọng của nhân dân.
Phóng viên: Có kỷ niệm nào trong quá trình dạy học về tình thầy trò mà ông nhớ nhất không?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi đã dạy học từ năm 1976 và tôi đã đào tạo sinh viên ở Đại học Tổng hợp từ khóa 1, cho nên nhìn thấy các bạn trưởng thành lên, có bạn đã là giáo sư và có những thành công rất lớn trong khoa học. Tôi nghĩ đó là sự kế tụng rất đáng quý. Lớp sau giỏi hơn lớp trước. Tôi tự hào đã góp một phần nhỏ vào việc đào tạo các thế hệ đó. Cho nên mỗi lần gặp các bạn, tôi rất mừng. Mỗi lần gặp các bạn trẻ, tôi đều động viên các bạn.
Phóng viên: Thưa ông, cha ông cũng là người thầy đầu tiên của ông. Với các thế hệ tiếp theo của gia đình thì luôn luôn học tập noi gương các thế hệ trước. Vậy ông thấy truyền thống gia đình có tác động như thế nào trong sự nghiệp học tập của mình?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Theo tôi, mỗi gia đình đều là nơi tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Bởi vì đầu tiên là bố mẹ nhắc nhở con cái học tập. Thứ hai, bố mẹ làm gương cho con cái. Bố tôi là một nhà giáo lão thành và tôi học được rất nhiều. Ít người biết rằng bố tôi xuất thân từ một gia đình rất nghèo ở Hưng Yên. Một người thanh niên nông thôn cố gắng học tập để đạt thành tích như vậy thì rất đáng coi trọng. Chính sự gương mẫu của bố tôi làm cả gia đình đều noi gương. Bọn tôi sống rất gương mẫu trong mọi phương diện. Rất nhiều học sinh của bố tôi thành đạt và những người học sinh đó luôn nêu cao cái tinh thần tôn sư trọng đạo. Gia đình tôi hầu hết đều là nhà giáo, đây là nghề rất đáng quý và dù khó khăn đến đâu thì nghề dạy học vẫn là nghề được xã hội tôn trọng. Vậy cho nên tôi cũng khuyến khích con cái làm những nghề gì có liên quan đến giáo dục.
Phóng viên: Truyền thống tôn sư trọng đạo mặc dù vẫn được giữ gìn nhưng đôi khi cũng bị biến chất. Vậy thì thưa giáo sư, làm thế nào để chúng ta có thể tiếp tục giữ gìn truyền thống tốt đẹp đấy?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Muốn giữ gìn truyền thống tốt đẹp đó thì bản thân thầy cô giáo vẫn là tấm gương. Khi thầy cô giáo là tấm gương sẽ tự nhiên nhận được sự kính trọng của học sinh, của xã hội. Nếu thầy cô giáo nào cũng là những tấm gương sáng thì nền giáo dục nước nhà sẽ phát triển. Học sinh sẽ yêu quý thầy cô và cố gắng học tập. Tấm gương của thầy cô giáo sẽ là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Các thầy cô giáo hiện nay có điều kiện để phát huy trí tuệ của mình nhờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại những sự tiến bộ lớn cho khoa học và công nghệ.
Phóng viên: Trong những dịp đầu xuân năm mới, người ta hay nói về làm thế nào để thúc đẩy việc đọc sách, nâng cao tri thức, theo giáo sư làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng một thói quen đọc sách trong thế hệ trẻ hiện nay?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Trong mỗi gia đình có điều kiện là nhà nào cũng nên có một tủ sách riêng cho con cái mình. Bản thân tôi luôn luôn lưu ý chuyện này. Khi bố mẹ ham đọc sách thì con cái mới ham đọc sách. Không ít gia đình hiện nay đều có tủ sách gia đình. Điều đó cần phải lan rộng trong tất cả các mọi gia đình. Đọc sách thì rất nhiều nhưng có em chỉ thích đọc truyện tranh, cái đó không đáng trách nhưng nó không toàn diện và phải đọc những cuốn sách có giá trị để nâng cao kiến thức cho mình, nâng cao hiểu biết của mình, nâng cao ý thức của mình.
Bố mẹ cần có trách nhiệm chọn lọc sách cho con, truyện tranh cũng không phải là xấu nhưng nó không đầy đủ và phải đọc những cuốn có tác động vào tâm hồn, vào kiến thức của trẻ em. Nhiều gia đình rất quan tâm đến chuyện này và xây dựng cái tủ sách gia đình. Nhưng cũng có gia đình không quan tâm. Bố mẹ không thiếu tiền nhưng không nghĩ đến chuyện này. Tủ sách cần được chọn lọc, hợp với lứa tuổi và có tác dụng giáo dục cho trẻ. Tôi nghĩ rằng gia đình nào coi trọng chuyện này thì con cái sẽ phát triển tốt mà con cái phát triển tốt là niềm hạnh phúc lớn nhất cho của mỗi gia đình.
Phóng viên: Trong năm vừa qua, đất nước có rất nhiều sự đổi mới và đặc biệt là chúng ta đang trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Vậy ông thấy rằng tầm quan trọng của việc thực hiện tinh gọn bộ máy sẽ giúp cho đất nước phát triển như thế nào?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Việc tinh giản bộ máy là công việc của cả nước, người nào ở đúng vị trí của người đó và ở vị trí đó người ta phát huy được hết sức, hết năng lực của mình, một cái tổ chức đông người mà không rõ ràng trách nhiệm thì công việc không tiến triển được. Do đó, việc tinh bộ máy này sẽ làm tăng năng lực, hiệu suất, hiệu quả. Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có trách nhiệm tham gia công việc này và ai cũng cần tìm cái chỗ đứng phù hợp nhất cho mình. Vì vậy, việc cả nước thực hiện cái chủ trương này sẽ đem lại hiệu quả rất tốt. Tôi hi vọng rằng, khi cả nước thực hiện tinh giản bộ máy thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên, kết quả chung sẽ lớn.
Phóng viên: Thưa giáo sư, trong giai đoạn hiện nay, nhân tài có vai trò rất quan trọng. Vậy theo giáo sư mình cần có cơ chế nào để có thể trọng dụng và thu hút nhân tài về đóng góp cho đất nước?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Các bạn có tài đến đâu phải dùng đến đấy. Chúng ta phải tạo điều kiện cho những người giỏi, thành đạt ở nước ngoài về nước có điều kiện phát huy. Khi Nhà nước tạo điều kiện tốt để phát huy thì các bạn đều mong muốn vừa được phát huy, vừa được sống cùng gia đình, cùng đất nước thì các bạn sẽ về nước. Cho nên việc tạo điều kiện cho tri thức có năng lực cao là trách nhiệm của cả nước, tạo điều kiện để các bạn có năng lực được đào tạo tốt ở nước ngoài về nước vẫn phát huy được tốt kết quả của mình.
Phóng viên: Trong năm 2025, có điều gì giáo sư kỳ vọng và mong muốn thực hiện không?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Mong muốn nhất là vẫn đủ sức khỏe. Bởi vì năm nay tôi đã 87 tuổi rồi và hy vọng những cuốn sách mà tôi dự kiến viết sẽ được thực hiện. Mỗi năm tôi đều viết được một, hai cuốn, hiện nay đã viết được hơn 50 cuốn. Tôi hi vọng rằng có thể đem kiến thức của mình góp phần vào kiến thức chung của xã hội. Và tôi hy vọng rằng mỗi người sẽ mang trí tuệ của mình ra cống hiến thì đất nước sẽ ngày càng phát triển. Tôi rất tin tưởng là thế hệ trẻ các bạn ấy rất giỏi, càng ngày càng giỏi và thế hệ sau giỏi thế trước đó là hạnh phúc của nhân dân.
Phóng viên: Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, giáo sư có lời chúc nào gửi đến quý khán thính giả của Đài Hà Nội?
GS. Nguyễn Lân Dũng: Lời chúc đầu tiên là sức khỏe, bởi vì có sức khỏe sẽ có tất cả. Lời chúc thứ hai của tôi là sự phấn đấu, mỗi người đều phấn đấu theo năng lực của mình thì cả đất nước sẽ tiến bộ. Mỗi người đều cố gắng, mỗi người đều góp phần vào sự nghiệp chung, vào sự tiến bộ chung của đất nước thì đất nước sẽ ngày càng đi lên.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn giáo sư! Chúc giáo sư và gia đình năm mới mạnh khỏe, bình an, nhiều thành công mới.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tro-chuyen-dau-xuan-cung-gs-nguyen-lan-dung-300009.htm