Vị Tết ở làng xôi 'tiến vua'

Ven sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội vài cây số, có một ngôi làng rất đặc biệt, quê hương của món xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), hay còn được gọi là 'xôi tiến vua', thơm dẻo, trứ danh Hà thành. Cứ đến những ngày cận Tết là cả làng rộn ràng như mở hội.

Đỏ lửa xuyên đêm phục vụ Tết

Những ngày cận Tết Nguyên đán, khoảnh sân nhỏ trước nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, nhộn nhịp nhất cả năm. Chỉ cần vào đến cổng thôi là đã thấy thơm mùi xôi mới và la liệt các xô, chậu đựng gạo. Những rá gạo nếp cái hoa vàng trắng tinh, mùi thơm thoang thoảng, hạt đều tăm tắp được vo sạch, để ráo chuẩn bị đồ xôi.

Bên cạnh gạo nếp, còn có đỗ xanh, gấc, dừa... đều đã được sơ chế. Bà Tuyến cho biết, nghề đồ xôi của làng Phú Thượng xuất hiện từ bao giờ đến nay cũng chẳng ai biết chính xác. Chỉ biết xưa kia, mỗi dịp lễ, Tết, làng lại chuẩn bị lễ phẩm mang vào “tiến vua”. Chính vì thế, người ta gọi gọi xôi làng Phú Thượng là xôi “tiến vua”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết, từ rằm tháng Chạp âm lịch trở đi, người dân ở Phú Thượng bắt đầu tất bật với việc thổi xôi. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết, từ rằm tháng Chạp âm lịch trở đi, người dân ở Phú Thượng bắt đầu tất bật với việc thổi xôi. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Hằng năm, từ rằm tháng Chạp (15/12 Âm lịch) trở đi, người dân ở Phú Thượng bắt đầu tất bật với việc thổi xôi, cung cấp đi khắp nơi. Bà Tuyến cho biết, vào những ngày cận Tết, ví dụ như ngày rằm, ngày ông Công ông Táo, ngày 30 Tết, mùng 1 Tết, số lượng xôi bán tăng gấp 4,5 lần là ít. Do vậy, đối với những người dân làng Phú Thượng, những ngày Tết là những ngày “hoạt động hết công suất”. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải thổi xôi “xuyên đêm”.

“Nếu như ngày thường, gia đình tôi thường dậy từ 2h sáng để chuẩn bị đồ xôi để kịp 5h sáng chuyển lên phố Bát Đàn bán lẻ, thì những ngày cận Tết, việc đồ xôi là bất kể ngày đêm, hết nồi này lại nấu sang nồi khác, phải chạy đua với thời gian để kịp đơn đặt hàng”, bà Tuyến cho biết.

Để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đến tận ngày 30 Tết, người dân làng Phú Thượng vẫn tất bật đồ xôi đưa ra thị trường. Đặc biệt, nhờ tục lệ đi lễ cầu may đầu năm mới mà nhiều hộ làm nghề truyền thống tại đây đã quen thuộc với việc thổi các loại xôi sặc sỡ sắc màu, để phục vụ nhu cầu đi lễ của người dân.

Cũng là một trong những gia đình có nghề truyền thống nấu xôi ở Phú Thượng, ông Nguyễn Đình Dũng (sinh năm 1973) cho biết, Tết Nguyên đán thường là những ngày vất vả nhất trong năm. Cả gia đình ông đều tất bật chuẩn bị từ công đoạn đầu tiên đến khi thổi xôi xong.

“Xôi cúng thường là xôi đỗ xanh và xôi gấc, vì yêu cầu của khách hàng cần sự trình bày bắt mắt để cúng bái nên các công đoạn chuẩn bị sẽ được đẩy lên sớm hơn so với nấu xôi ăn sáng hàng ngày. Gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác làm việc không ngừng nghỉ, mỗi hộ cho ra lò vài tạ xôi thành phẩm mỗi ngày mới đủ cung ứng cho nhu cầu dâng lễ của người dân Thủ đô”, ông Dũng chia sẻ.

Lưu giữ giá trị truyền thống

Theo những người dân làng Phú Thượng, để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, các gia đình làm nghề nấu xôi ở Phú Thượng đã phải chuẩn bị thực phẩm, nguyên liệu trước đó vài tháng. Để xôi ngon, trước tiên, nguyên liệu phải được chọn kỹ lưỡng từ gạo nếp, gấc, lá nếp, đậu xanh, lạc…

Gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy, đều từ vùng Hải Dương, Hải Hậu (Nam Định), Bắc Ninh, Thái Bình; gấc chọn những quả có màu đỏ tươi, vỏ mỏng, gai nhỏ, đều và thưa; còn đối với lạc, cần lựa chọn những hạt lạc có lớp vỏ ngoài sáng, không bị mối mọt, có nhiều nếp nhăn thì sẽ ngon hơn…

Gạo được ngâm khoảng 10 tiếng trước khi vo, các nguyên liệu như gạo, đỗ sẽ được ngâm sau. Tùy thuộc vào các loại xôi mà người thợ sẽ chọn nguyên liệu trộn lẫn vào gạo trước khi đưa đi đồ. Sau khi được đồ chín, xôi sẽ được dàn đều ra cho nguội rồi mới đồ lại lần hai cho dẻo và không bị lại gạo trong thời tiết giá rét.

Theo những người dân làng Phú Thượng, để xôi ngon, trước tiên, nguyên liệu phải được chọn kỹ lưỡng từ gạo nếp, gấc, lá nếp, đậu xanh, lạc…

Theo những người dân làng Phú Thượng, để xôi ngon, trước tiên, nguyên liệu phải được chọn kỹ lưỡng từ gạo nếp, gấc, lá nếp, đậu xanh, lạc…

“Người xưa có câu “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”, nhưng với những hộ làm nghề tại làng Phú Thượng sẽ có thêm một ngày quan trọng nữa đó là ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Đó vừa là hội làng, vừa là dịp những người làm nghề bày tỏ lòng thành kính với tổ nghề thông qua hoạt động thi nấu xôi và lễ hội xôi”, bà Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ.

Được biết, năm 2016, làng nghề nấu xôi Phú Thượng đã được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Đến nay, trên địa bàn phường Phú Thượng có khoảng 600 hộ làm nghề nấu xôi.

Đặc biệt, vào năm 2019, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đã vinh dự được mang xôi Phú Thượng đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội để phục vụ hàng nghìn phóng viên trong nước và quốc tế. Đến nay, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ mà các sản phẩm xôi chè, xôi ngũ sắc, xôi xéo của làng đã đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP. Nhiều hộ gia đình có đến 3 thế hệ làm nghề nấu xôi và nay họ còn mở rộng làm thêm các sản phẩm khác.

Ngày nay, tại Phú Thượng, bếp điện đã thay rơm, than, củi cũng như máy xay thay cho việc giã cối... giúp người làm xôi bớt cực nhọc. Người làng đã áp dụng công nghệ hiện đại vào đồ xôi. Đồ thủ công ngày xưa đã được thay thế bằng chõ xôi cỡ lớn bằng điện. Tuy nhiên, tất cả những người dân đều luôn nhắc nhở nhau những bí quyết riêng có để duy trì sự đặc sắc cho sản phẩm của làng.

Chính quyền phường Phú Thượng cũng liên tục nâng cao công tác đào tạo, tập huấn cho các hộ làm nghề truyền thống gìn giữ những tinh hoa của làng nghề. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các mẫu trình bày mới, nguyên liệu luôn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm để người tiêu dùng không chỉ thưởng thức xôi ngon mà còn thỏa mãn ngắm nhìn xôi như một tác phẩm nghệ thuật.

Làng Phú Thượng giờ đã thành phố, thành phường. Nhưng trong nhịp đập của cuộc sống mới, len lỏi giữa những lớp nhà cao tầng vẫn giữ nguyên nếp làng nghề, nhà nhà đỏ lửa từ tinh mơ. Trong làn khói nghi ngút đượm mùi thơm gạo mới, những người làm nghề vẫn miệt mài lao động với mong muốn mang mùa xuân đến mọi nhà.

Ở làng Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) có 3 làng cổ, làng Thượng Thùy còn gọi là làng “Bạt”, làng Gia Phú là làng “Gạ”, làng Phú Xá là làng “Xù” trong đó có làng Gạ nổi tiếng hơn cả với nghề nấu xôi. Ngay trước Giao thừa, người dân nơi đây đã tất bật chuẩn bị thổi những loại xôi như đỗ xanh, gấc, cốm… để đưa tới các điểm đặt hàng vào sáng mùng 1 Tết, nhằm phục vụ nhu cầu của người dân dâng xôi lễ Phật, lễ Thánh cầu may đầu năm mới.

Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-tet-o-lang-xoi-tien-vua-166056.html