Vị thế đàm phán của nhân lực Việt trên thị trường lao động Nhật
Sau hơn 30 năm duy trì mối quan hệ giữa hai nước, vị thế đàm phán của nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động Nhật Bản có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Nếu như trước đây, đi làm ở Nhật Bản được xem là một cơ hội để người lao động Việt Nam cải thiện thu nhập và có được trải nghiệm sống và học tập ở xứ sở hoa anh đào thì ngày nay tuyển được lao động Việt còn là giải pháp giúp các doanh nghiệp Nhật phần nào giải quyết được thực trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.
Điều đó có nghĩa là cán cân cung - cầu đã thay đổi và vị thế đàm phán của lao động Việt cũng có nhiều cơ hội cải thiện. Tuy nhiên, làm sao để lợi thế đàm phán này có thể giúp chuyển đổi năng lực nhân lực Việt là một điều cần phải cân nhắc.

Lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Nguồn: asia.nikkei.com
Tính khẩn cấp trong độ khát nhân lực của bên cầu
Trước thực trạng tỷ lệ kết hôn và sinh con liên tục giảm trong thời gian dài, năm 2023 Viện Recruits Work của Nhật Bản đã công bố một nghiên cứu cảnh báo nguy cơ đất nước này có thể sẽ bị thiếu 3,4 triệu lao động vào năm 2030 và 11 triệu lao động vào năm 2040. Đây là một trong những rủi ro rất lớn khiến nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng phá sản mặc dù vẫn đang nằm trong nhóm các nước dẫn đầu về tổng sản phẩm nội địa so với thế giới.
Tình trạng thiếu hụt lao động khó có thể giải quyết kịp thời nếu chỉ dựa vào lao động trong nước. Trong khi chờ đợi giải pháp từ việc tuyển dụng lao động nhập cư, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã phải điều chỉnh lại các đơn hàng nhận được để tránh bị vi phạm cam kết với đối tác đầu ra. Thiếu hụt lao động đã khiến các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất và thực sự gây ra tổn thất kinh tế cho họ. Đây sẽ là động lực khiến các doanh nghiệp Nhật Bản bằng mọi giá phải tuyển được lao động nhập cư để bù đắp sự thiếu hụt và cắt giảm những thiệt hại.

Theo thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản, bốn nhóm ngành có tỷ lệ điều chỉnh đơn hàng cao do thiếu hụt lao động là xây dựng, dịch vụ lưu trú ăn uống, công nghiệp và giao thông vận tải. Tuy nhiên, việc giải quyết thực trạng này thông qua tuyển dụng thêm lao động không thể mang lại hiệu quả ngay, khi thực trạng dân số già không chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Sự cạnh tranh khốc liệt trong việc thu hút lao động nhập cư giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp của các quốc gia khác nhau đang là rào cản gây khó khăn trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Theo kết quả khảo sát của Cục Thống kê Nhật Bản, sáu khó khăn mà doanh nghiệp Nhật Bản phải đối mặt khi giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động bao gồm: (1) có ít người nộp đơn xin làm việc so với nhu cầu; (2) người nộp đơn không đủ năng lực và kỹ năng để đáp ứng công việc; (3) người lao động bị hấp dẫn bởi chế độ đãi ngộ tốt hơn ở các công ty khác hoặc các quốc gia khác; (4) nhân viên rời bỏ công ty chỉ trong thời gian ngắn sau khi gia nhập; (5) năng lực đào tạo nhân viên của doanh nghiệp hạn chế; và (6) số lượng công việc tăng nhanh hơn so với khả năng đáp ứng số lượng lao động đảm nhiệm công việc đó.
Khả năng thay thế ảnh hưởng đến lợi thế đàm phán của bên cung
Ở góc độ khác, những khó khăn của bên cầu chưa chắc đã giúp vị thế đàm phán của bên cung được đảm bảo tuyệt đối khi các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn loay hoay tìm kiếm các giải pháp thay thế khác nhau. Mặc dù Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ lao động sang làm việc tại Nhật Bản đông nhất, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn luôn nỗ lực mở rộng cơ hội tuyển dụng lao động sang các nước khác trong khu vực và đây vẫn là một thị trường có tính cạnh tranh diện rộng dựa trên mức độ phù hợp giữa hai bên cung cầu.
Lao động Việt Nam phải tận dụng được giai đoạn vàng để nỗ lực học tập trước khi dân số Việt Nam trở nên già và nền kinh tế Nhật Bản ít lệ thuộc vào sức người hơn. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi công nghệ của Nhật Bản cũng là cơ hội học tập và cũng là tín hiệu đòi hỏi thế hệ nhân lực Việt Nam tiếp theo tại thị trường Nhật Bản phải có được những kiến thức và kỹ năng phù hợp với bối cảnh công nghệ mới.
Để khai thác tối đa nguồn nhân lực trong nước, trong giai đoạn dài gần đây, Nhật Bản đã nâng thời gian lao động cao hơn tám tiếng một ngày và nâng tuổi nghỉ hưu của người dân Nhật Bản lên. Trên thực tế, với văn hóa lao động cần cù được cả thế giới biết đến, người Nhật Bản sẵn sàng làm việc trên 10 tiếng mỗi ngày và vẫn muốn tiếp tục công việc của mình ở các vai trò khác nhau ngay khi đã đến tuổi về hưu. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, dư địa khai thác nguồn lực lao động trong nước của Nhật Bản dường như đã bão hòa. Chính phủ Nhật cũng hạn chế việc doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác sức lao động nội địa thông qua tăng giờ làm việc và tuổi nghỉ hưu.
Một giải pháp thay thế cung lao động khác đang được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản nỗ lực thực hiện trong thời gian gần đây đó là đầu tư vào các dự án hướng đến tiết kiệm sức lao động như tạo ra các công nghệ, máy móc thiết bị, robot hóa, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để có thể thay thế sức người trong dài hạn. Kỹ thuật công nghệ và nghiên cứu đổi mới sáng tạo vốn là thế mạnh của người Nhật Bản, đây cũng là đất nước tiên phong trong việc phát triển các “xưởng sản xuất tối” (dark factory) nơi các cánh tay robot 3D có thể thay thế lao động sản xuất để làm việc ngay cả ban đêm để có thể nâng cao hiệu suất.
Nâng cao vị thế đàm phán của nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động Nhật Bản
Khi cán cân cung cầu thay đổi, vị thế đàm phán nâng cao không chỉ hướng đến việc cải thiện thu nhập của lao động Việt Nam trên thị trường, mà còn cần thúc đẩy cơ hội học tập và phát triển năng lực nhân lực Việt Nam. Để thực hiện được điều đó, ba hướng giải pháp cần được cân nhắc thực hiện.
Thứ nhất, việc đàm phán không chỉ là câu chuyện giữa người lao động hay công ty phái cử Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản mà cần có tiếng nói từ đại diện chính phủ hai quốc gia. Cơ bản làm sao để mối quan hệ win - win (hai bên cùng thắng) giữa hai quốc gia được thiết lập, ở đó, phía Nhật Bản giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động có nguy cơ gây phá sản nền kinh tế, còn phía Việt Nam có thể cải thiện được chất lượng nguồn nhân lực. Như vậy, cả hai quốc gia trong quá trình đàm phán cần phải đảm bảo thỏa mãn được nhu cầu của đối phương trên cơ sở đáp ứng được mục tiêu của mình.
Thứ hai, để đảm bảo vị thế nhân lực Việt Nam khó bị thay thế bởi các nguồn và các giải pháp khác nhằm có thể đàm phán các điều kiện làm việc tốt hơn, các hoạt động đào tạo người lao động Việt Nam gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản cần được đầu tư tại các tổ chức giáo dục Việt Nam. Đa phần hạn chế của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc đào tạo lao động nhập cư là vì chưa hiểu được văn hóa và tập quán lao động của nước đối ứng để có thể kết nối và chuyển giao sang môi trường làm việc mới. Chính vì vậy, một chương trình đào tạo bài bản và khoa học tại Việt Nam sẽ giúp người lao động Việt Nam khẳng định được bản thân trên thị trường lao động Nhật Bản.
Cuối cùng, trong khi Việt Nam đang loay hoay dịch chuyển nhân lực thì phía Nhật Bản cũng có động thái chuyển đổi công nghệ để thúc đẩy thay thế sức người bằng các biện pháp cơ giới hóa, công nghệ hóa. Đây sẽ là một thách thức cho Việt Nam khi thời gian hưởng lợi từ lợi thế đàm phán có thể sẽ sớm kết thúc. Chính vì thế, lao động Việt Nam phải tận dụng được giai đoạn vàng để nỗ lực học tập trước khi dân số Việt Nam trở nên già và nền kinh tế Nhật Bản ít lệ thuộc vào sức người hơn. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi công nghệ của Nhật Bản cũng là cơ hội học tập cho nhân lực Việt Nam và cũng là tín hiệu đòi hỏi thế hệ nhân lực Việt Nam tiếp theo tại thị trường Nhật Bản phải có được những kiến thức và kỹ năng phù hợp với bối cảnh công nghệ mới.
(*) Tổng Giám đốc Tâm Việt Education