Viconship thâu tóm xong Cảng Nam Hải Đình Vũ
Thương vụ này chính thức đưa Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU/năm, chiếm 25% thị phần khu vực.
CTCP Container Việt Nam (Viconship) vừa công bố đã hoàn thành giao dịch nhận chuyển nhượng vốn góp từ các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Theo đó, Viconship đang sở hữu hơn 399,999 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng vốn điều lệ của Cảng Nam Hải Đình Vũ, tương ứng tỷ lệ hơn 99,999%.
Trước đó, VSC công bố nghị quyết HĐQT thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng vốn góp từ các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ để nâng tỷ lệ sở hữu từ 35% lên tối đa 100% sau khi nhận chuyển nhượng từ Gemadept năm ngoái.
Viconship dự kiến nhận chuyển nhượng tối đa 65% vốn từ Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đoàn Huy và Công ty TNHH Thương mại kim khí xuất nhập khẩu Huy Hoàng.
Giá trị mỗi phần vốn nhận chuyển nhượng là 83.800 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng số tiền giao dịch nhận chuyển nhượng là gần 2.180 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện lấy từ nguồn thu trong đợt phát hành gần 133,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và nguồn vốn vay 1.450 tỷ đồng tại Eximbank để thực hiện giao dịch nhận chuyển nhượng.
thương vụ trên chính thức đưa Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU/năm, chiếm 25% thị phần khu vực.
Nam Hải Đình Vũ là cảng container, công suất thiết kế ban đầu 500.000 TEU/năm và hiện đã nâng lên 1,2 triệu TEU/năm, nằm trong khu vực có diện tích 42ha.
Cảng có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và đã đưa vào khai thác từ năm 2014, hiện chiếm 10% thị phần khu vực cụm cảng Hải Phòng.
Lãnh đạo Viconship cho biết xu hướng các cảng tại trung tâm nội đô Hải Phòng trong tương lai sẽ bị di dời để thực hiện phát triển đô thị hóa thành phố, trong đó có cảng Hoàng Diệu của công ty, nên Viconship buộc phải mua thêm một cảng tại khu vực hạ lưu.
Thêm nữa, cảng Nam Hải Đình Vũ lại nằm cạnh cảng Vip Greenport của Viconship nên việc mua lại cảng này sẽ tập trung được nguồn lực tại cùng một khu vực, cả thiết bị lẫn cả nhân lực.
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán FPT, nhu cầu chi tiêu tại các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam sẽ được thúc đẩy trong quý II/2024 trong kịch bản chính sách tiền tệ thắt chặt dần được nới lỏng khi lạm phát tại các quốc gia đang được kiểm soát.
Sản lượng hàng container thông qua cảng của Viconship năm nay dự báo đạt 1,19 triệu TEU.
Tổ chức này dự kiến Viconship sẽ ghi nhận hơn 2.600 tỷ đồng lợi thế thương mại khi hợp nhất cảng Nam Hải Đình Vũ. Ước tính doanh nghiệp sẽ phân bổ 263 tỷ đồng chi phí lợi thế thương mại mỗi năm cho tới năm 2034.
Năm 2024, Viconship đặt kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu đạt 2.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 11,5% và 20,8% so với thực hiện năm 2023.