'Việc dân, việc nước', nghĩ từ phiên họp Chính phủ lâm thời đầu tiên
Sáu việc cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt nền tảng cho những vấn đề trọng sự của quốc gia.
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 9/1945 (ảnh tư liệu)
Phiên họp không nghi lễ
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - mở ra cho dân tộc ta một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Thế nhưng, ngay trong những ngày đầu độc lập ấy, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Ðông Nam Á - một nhà nước non trẻ, vừa mới ra đời đã phải đối mặt với những khó khăn to lớn, chồng chất.
Bên trong, chính quyền vừa thành lập, tất cả còn mới mẻ, bỡ ngỡ với những người cầm quyền, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Sau 80 năm bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính”.
Lực lượng vũ trang còn rất nhỏ bé, trang bị vũ khí thô sơ. Kinh tế, công nghiệp bị đình đốn, đồng ruộng bị bỏ hoang, tài chính kiệt quệ, ngân khố trống rỗng, ngân hàng vẫn nằm trong tay người Pháp.
Ở miền Bắc, nạn đói giữa năm 1945 làm 2 triệu người chết, tiếp đó là Đồng bằng Bắc bộ bị trận lụt lớn tàn phá, 95% dân số Việt Nam mù chữ...
Nhưng, với tinh thần dám nghĩ, dàm làm, dám sửa chữa, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, là những điều đó “không làm cho chúng ta lo ngại”. “Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng, chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”.
Trong bối cảnh đó, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945 tại Bắc Bộ phủ - một phiên họp được ghi lại rằng, tiến hành gọn nhẹ, không có nghi thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những việc “cấp bách” vì dân
Trong 6 vấn đề ấy, việc đầu tiên Bác nêu là về nhân dân. Bác nêu rất trực diện, ngắn gọn, như chính sự cấp bách, thúc giục của bối cảnh lúc bấy giờ. Người nói: “Một là, nhân dân đang đói”.
Người chỉ ra thực trạng Pháp, Nhật đã vơ vét hết lương thực gom vào kho chứa, lại bắt đồng bào ta giảm diện tích cấy lúa để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng. Hơn nữa, chúng còn có kế hoạch gây nên nạn đói, để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào ta phải làm việc như nô lệ.
“Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi, nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình hình trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói”, Người phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945.
Người đặt câu hỏi trực diện, cấp thiết: “Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống”, rồi nêu ngay câu trả lời - đề nghị với Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất”.
Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!”.
Sau đề xuất tại phiên họp đầu tiên này, ngay trong ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời phát động chiến dịch cứu đói và tăng gia sản xuất. Đây chính là quyết định đầu tiên, hành động đầu tiên của Chính phủ mới.
Đồng thời, Bác đã đề nghị mở một cuộc lạc quyên: “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Sau này, chính Hồ Chí Minh đã gương mẫu thực hiện trước việc “mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.
Việc cấp bách thứ hai Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu, cũng là về nhân dân, cụ thể là việc học của người dân. Người nói: “Vấn đề thứ hai, nạn dốt - là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Vấn đề cấp bách thứ tư, thứ năm và thứ sáu được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập cũng là hướng đến nhân dân. Người đề nghị “bỏ ngay” các thứ thuế thân, thuế chợ, thuế đò đang “bóc lột vô nhân đạo” nhân dân.
Người nêu: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”.
Đồng thời, nhận thấy thực dân và phong kiến đã thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị, Người đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết.
Với tinh thần đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc này, Người đã tập hợp được đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp cứu nước, kiến quốc, từ đó xóa dần những định kiến, mặc cảm do lịch sử để lại và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch.
Việc cấp bách “vì nước”
Trong 6 việc cấp bách, vấn đề thứ ba được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu là sự cần thiết phải có một hiến pháp dân chủ. Người chỉ rõ, trước, chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ.
Có thể nói, những chính sách lớn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi giành được chính quyền đã mang đầy đủ ý nghĩa xây dựng một xã hội mới, nhân dân được hưởng các quyền tự do dân chủ, các quyền về kinh tế và xã hội, văn hóa, giáo dục.
“Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”, Người nói.
Nhìn lại một chút bối cảnh để thấy được tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi xác định đây là một trong 6 vấn đề cấp bách của đất nước lúc ấy.
Sau khi tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta đã ra mắt Chính phủ lâm thời (tức Ủy ban dân tộc giải phóng, được thành lập từ Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16 và 17/8/1945), song, về mặt pháp lý, Chính phủ chưa được các quốc gia công nhận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc rằng, chỉ sau khi có một Quốc hội được bầu bằng cuộc Tổng tuyển cử và Quốc hội thông qua Hiến pháp, thì quyền lực nhà nước của Nhân dân Việt Nam mới được xác lập về mặt pháp lý.
Chính vì thế, cần sớm tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng Hiến pháp nhằm trước hết ban bố quyền dân chủ của Nhân dân và Nhân dân chính là người bầu ra một Nhà nước hợp hiến.
Cùng với việc triệu tập Đại hội Quốc dân đại hội Tân Trào ngày 16-17/8/1945 - được ví như một “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại mới để tập hợp, thống nhất ý chí Nhân dân, thì với việc nhanh chóng chuẩn bị và tổ chức tổng tuyển cử sau khi tuyên bố độc lập, có thể coi Hồ Chí Minh là cha đẻ của nền dân chủ mới. Và, xây dựng Nhà nước pháp quyền là quan điểm xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản chất của nhận thức này là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Đáng chú ý, có thể thấy, ở mỗi vấn đề cấp bách Người nêu, Người đều có những đánh giá rất sâu sắc, thể hiện tầm nhìn xa rộng của một lãnh tụ. Khi nói về nạn đói và đề nghị phát động tăng gia sản xuất, Bác nhấn mạnh tăng gia sản xuất là “cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”, đó là quan điểm nhấn mạnh vai trò xương sống của kinh tế đối với sự phát triển đất nước.
Khi nói về yêu cầu xóa nạn mù chữ, Người chỉ ra rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, thể hiện rõ tầm nhìn về vai trò của giáo dục, của tri thức đối với sự phát triển, cường thịnh một dân tộc. Hay khi nói về yêu cầu cấp bách phải vực dậy đời sống nhân dân vốn đã bị thực dân tha hóa bằng rượu, thuốc phiện, thói lười biếng, gian giảo, tham ô, Người đã đề cập ngay việc thực hiện “CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” - cái gốc của việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa sau này.
Có thể nói, những chính sách lớn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi giành được chính quyền đã mang đầy đủ ý nghĩa xây dựng một xã hội mới, nhân dân được hưởng các quyền tự do dân chủ, các quyền về kinh tế và xã hội, văn hóa, giáo dục. Đây cũng là bài học quý giá lấy dân làm gốc, dựa vào dân, tin ở dân.
Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn đó, chính những hành động trước hết vì nhân dân, tất cả vì nhân dân, tin tưởng vào lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân khi ấy đã là minh chứng sống động, thuyết phục nhất về bản chất tốt đẹp của chế độ. Và, điều này đã được nhân dân đáp lại bằng sự ủng hộ tuyệt đối với Đảng, Chính phủ để vượt qua tình thế ngàn cân treo sợi tóc khi ấy, cũng như tiến hành thành công sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đổi mới và hội nhập sau này.