Việc phát triển lực lượng nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp
Kết luận tại buổi gặp gỡ giáo viên cả nước (ngày 15/8), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, nền tảng để hoàn thành việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhà giáo là tài sản quý nhất
“Việc phát triển lực lượng nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành chúng ta”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn "các nhà giáo cần tự đổi mới bản thân, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân, để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mà chưa thấy mình khác so với 3-4 năm về trước, chưa phải đổi mới. Nếu nhìn lại mà thấy mình vẫn như xưa, làm sao giáo dục đổi mới?".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần thay đổi vai trò, vị trí cách dạy, hoạt động dạy của giáo viên. Nhà giáo từ chỗ là người truyền thụ kiến thức chuyển sang là người dẫn dắt, tổ chức, hỗ trợ để học sinh hình thành năng lực và tự tích lũy kiến thức…
Bên cạnh đó, một điểm quan trọng khác là nhà giáo, đặc biệt là giáo viên phổ thông, cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa. "Trong chương trình trước, chúng ta lệ thuộc quá nhiều sách giáo khoa. Sách giáo khoa là pháp định, là chỗ dựa, dạy và học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì thi đấy. Chúng ta bị khuôn cứng, lệ thuộc ở sách giáo khoa. Nhưng thay đổi lần này, chương trình thống nhất toàn quốc, còn sách giáo khoa là học liệu đặc biệt".
Cần sử dụng sách giáo khoa chủ động, không lệ thuộc, có thể dùng nhiều bộ sách giáo khoa, lấy các ngữ liệu, bài tập khác sử dụng linh hoạt. Nếu không thay đổi cách tiếp cận sách giáo khoa, không đạt được điểm đổi mới quan trọng.
Đừng để đổi mới chỉ dừng ở cổng trường
Trong công cuộc đổi mới giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến vai trò của hiệu trưởng. "Hiệu trưởng là người chỉ huy, chủ đạo trong việc đổi mới ở cơ sở mình. Nếu hiệu trưởng không đổi mới khó hy vọng ngôi trường đó đổi mới. Nhiều người hăng hái, nhiệt huyết nhưng cũng có một phần không nhỏ không tham gia tập huấn, đọc chương trình... ảnh hưởng không nhỏ tới việc đổi mới", ông Sơn phân tích.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Hiệu trưởng không phải ông quan trong cơ sở giáo dục, mà là người dẫn dắt, tập hợp, hỗ trợ, nên cần phải bắt nhịp các mục tiêu đổi mới. Hiệu trưởng là người dẫn dắt đổi mới" và khẳng định triết lý của chương trình đổi mới là tính nhân văn, chủ động.
"Nếu những yếu tố này không được nhân lên và phát huy, đổi mới chỉ dừng ở cổng trường mà thôi", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trăn trở.
Tuy nhiên, Bộ trưởng chia sẻ rằng, nhiều điều mới trong ngành giáo dục chưa chia sẻ được cho xã hội, cho phụ huynh hiểu những cái khó, cái mới đang làm: "Với cái xấu trong nội bộ, chúng ta phải lên tiếng để chống, với những cái tốt, tích cực trong ngành chúng ta phải nói rõ. 1,6 triệu giáo viên nói chắc sẽ có hiệu quả hơn là riêng Bộ trưởng nói".
Chính vì vậy, đội ngũ nhà giáo cần kiên trì, thuyết phục và vận động phụ huynh cũng như xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành cùng ngành.
Bên cạnh đó, cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực, theo đuổi mục tiêu chất lượng với mục tiêu phát triển con người, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thi đua dạy học tốt dẫu khó khăn đến đâu.