Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013Mở đầu quan trọng, tạo cơ sở hiến định cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong kỷ nguyên mới
Sáng mai, 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Trao đổi về nội dung này, các đại biểu Quốc hội khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là mở đầu quan trọng, tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia trong kỷ nguyên mới.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng):
Thể hiện rõ vai trò của Quốc hội trong công tác lập hiến, tạo tiền đề cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là mở đầu quan trọng, tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, do đó, lộ trình này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và chặt chẽ, dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành các quy định cụ thể của Hiến pháp 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)
Với tỷ lệ 100% số đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, ngay tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín, sáng 5/5 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng như thành lập Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, thể hiện rõ vai trò của Quốc hội trong công tác lập hiến, lập pháp, tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới sắp tới.
Ngay sau khi được thành lập, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã tổ chức họp và nhất trí thông qua 6 văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban. Các thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các cơ quan đã phối hợp, triển khai hiệu quả, kịp thời các công việc theo đúng quy trình, thủ tục.
Trong đó, việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được lên kế hoạch bài bản nhằm tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cử tri và Nhân dân đối với những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật khi tập trung sửa đổi 2 nhóm nội dung: các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đồng thời có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trên cơ sở các Nghị quyết và Kế hoạch được thông qua, cả hệ thống chính trị đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân về những nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 lần này, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hợp "ý Đảng, lòng Dân". Với lộ trình, kế hoạch bài bản đã đề ra, tin tưởng chắc chắn rằng, các công việc triển khai tiếp theo sẽ đạt được kết quả cao nhất. Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ tập hợp được nhiều ý kiến của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét thông qua với sự đồng thuận cao vào cuối Kỳ họp thứ Chín này.
ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình):
Thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng
Tôi nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung vào các quy định về MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.

ĐBQH Nguyễn Văn An (Thái Bình)
Trước hết, về hồ sơ tài liệu kèm theo Tờ trình đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 chỉ đạo chuẩn bị rất kỹ lưỡng với nỗ lực, quyết tâm cao nhất của cơ quan thường trực là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.
Nội dung dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát thực tiễn".
Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung cũng như bố cục của dự thảo Nghị quyết, gồm 2 điều; Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Tôi cũng quan tâm đến quy định của tổ chức Công đoàn Việt Nam tại Điều 9 và Điều 10 dự thảo Nghị quyết. Trước hết, tôi tán thành bỏ cụm từ “được thành lập trên cơ sở tự nguyện”, vì tại khoản 2 Điều 9 đã có quy định này.
Bộ luật Lao động quy định rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng không chỉ của đoàn viên công đoàn mà còn có cả người lao động không tham gia công đoàn. Như vậy, giữa quy định tại khoản 2 Điều 9 và Điều 10 dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện sự thống nhất (khoản 2 Điều 9 quy định vai trò “đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; trong khi Điều 10 quy định là “đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động). Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về nội dung này, bảo đảm quy định một cách đồng bộ, thống nhất và phù hợp.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (TP. Huế)
Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy - chủ trương lớn, đã đạt độ chín, cần khẩn trương thực hiện
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tập trung sửa đổi những nội dung cốt lõi, mang tính quyết định trong việc triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đặc biệt có liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (TP. Huế)
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn mang tính cách mạng, nay đã đạt độ chín và đến lúc phải khẩn trương triển khai thực hiện. Dự thảo Nghị quyết xác định rõ chính quyền địa phương 2 cấp, không tổ chức cấp huyện. Mong rằng, lần sửa đổi này sẽ làm rõ những điều kiện, tiêu chí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương 2 cấp, và cụ thể hóa ngay trong các luật có liên quan đang được đưa ra tại Kỳ họp thứ Chín này, như dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Để làm rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi, bổ sung lần này không chỉ quy định MTTQ Việt Nam là nơi "tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" mà bổ sung nội hàm "thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước".
Tôi đánh giá cao dự thảo Nghị quyết đã nâng tầm MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và những văn bản pháp quy liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng, do đó cần tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các bộ, ngành một cách đa dạng về hình thức, phù hợp với nhóm đối tượng, đồng thời nghiên cứu, tiếp thu và giải trình kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp.