Viêm nha chu

Các thủ phạm gây bệnh viêm nha chu là vi khuẩn hoặc nấm có sẵn trong miệng.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Viêm nha chu là bệnh lý răng miệng thường gặp, bắt đầu từ nhiễm trùng nướu răng rồi tiến triển nặng hơn gây tổn thương xi măng chân răng, các dây chằng và tiêu xương hàm. Bệnh này thường có diễn biến mạn tính, xen kẽ với những đợt nhiễm trùng bùng nổ, cấp tính và có nguy cơ gây mất răng rất cao.

Tác nhân mang tính cơ hội

Các thủ phạm gây bệnh viêm nha chu là vi khuẩn hoặc nấm có sẵn trong miệng. Chúng bám trên bề mặt của răng và các tổ chức xung quanh răng. Đây là những tác nhân mang tính cơ hội.

Trong một điều kiện thuận lợi nào đó như vệ sinh răng miệng kém, giảm sức đề kháng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chúng phát triển mạnh mẽ. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện và phản ứng phòng vệ thì gây ra hiện tượng viêm quanh chân răng mà trong chuyên môn gọi là viêm nha chu.

Các trường hợp bệnh tiến triển nặng sẽ gây tổn thương xương và răng. Các trường hợp bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây ra hậu quả rụng dần các răng.

Những người có các đặc điểm sau đây sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu:

- Không chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.

- Ăn uống kém, thiếu chất và suy dinh dưỡng.

- Thói quen nhai thuốc lá, dùng thuốc lá điện tử, cần sa, ma túy.

- Biến động nội tiết tố ở người mang thai hoặc mãn kinh.

- Mắc các bệnh như viêm lợi, tiểu đường, bệnh Crohn (một loại bệnh lý đường ruột), các bệnh làm suy giảm miễn dịch.

- Thiếu trầm trọng vitamine C hoặc dùng các loại thuốc gây khô miệng.

Ở người bình thường, nướu răng săn chắc, khỏe mạnh và ôm chặt chân răng. Màu của nướu răng thay đổi tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Nướu có màu sắc biến đổi từ hồng nhạt đến hồng đậm và thậm chí là màu nâu.

Ở người mắc bệnh viêm nha chu, thường thấy có các biểu hiện sau:

- Nướu vùng thương tổn bị sưng, đau và thay đổi màu sắc (đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc tím sẫm).

- Sờ vùng nước thương tổn có cảm giác mềm.

- Khi xỉa răng hoặc đánh răng nướu thường chảy máu.

- Hôi miệng kéo dài.

- Vùng giữa răng và nướu bọng mủ.

- Răng lung lay và rụng.

- Cơn đau gia tăng khi nhai.

- Tụt nướu và thay đổi khoảng cách giữa các răng.

Một số trường hợp, bệnh nha chu tiến triển sớm nhưng ngấm ngầm qua nhiều năm mà không có dấu hiệu nào gây sự chú ý. Bước vào tuổi 40 - 50 các dấu hiệu bệnh viêm nha chu đua nhau xuất hiện. Lúc này, khả năng điều trị phục hồi gần như bất lực, vì các tổn thương xương và răng không thể nào cứu vãn được nữa.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Hướng điều trị và phòng bệnh

Nếu thăm khám phát hiện và điều trị ở giai đoạn viêm nướu thì người bệnh được chữa khỏi hoàn toàn. Khi chẩn đoán xác định là viêm nha chu thì bệnh đã mạn tính, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, chỉ có thể làm giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế biến chứng mà không thể nào chữa lành bệnh được.

Bệnh viêm nha chu là một bệnh nhiễm trùng, nên việc chỉ định dùng kháng sinh gần như ngay lập tức sau khi xác định chẩn đoán. Đường dùng kháng sinh có thể uống, tiêm hoặc phối hợp cả hai tùy theo mức độ nặng của bệnh.

Một số loại kháng sinh có thể được chỉ định ngậm tại vị trí bị thương tổn. Các loại thuốc khác được dùng hỗ trợ nhằm mục đích kháng viêm và giảm đau. Bên cạnh đó, việc làm sạch chân răng và cạo vôi răng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ tiêu điểm nhiễm trùng.

Các trường hợp viêm nha chu “bất trị” với kháng sinh và những trường hợp nặng, vấn đề phẫu thuật sẽ được đặt ra nhằm giải quyết các tình trạng sau đây: Làm sạch chân răng, ghép xương hàm, ghép nướu nếu bị tụt nướu, mất nướu.

Điều quan trọng sau đợt điều trị ổn định, người bệnh cần phải thăm khám định kỳ để phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời nguy cơ của các đợt tái phát bệnh.

* Cách phòng bệnh: Viêm nha chu là bệnh nhiễm trùng răng miệng, nên trong nước bọt của người bệnh luôn chứa mầm mống gây bệnh. Việc tiếp xúc quá gần gũi và đặc biệt là việc sử dụng chung các đồ dùng cá nhân sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh rất cao. Do đó, cần tránh sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh, tránh tiếp xúc gần và kéo dài.

Cách phòng bệnh tốt nhất là luôn vệ sinh tốt răng miệng. Điều này, người lớn cần tập cho trẻ nhỏ và duy trì suốt đời. Cụ thể: Đánh răng buổi sáng sau khi thức dậy và đánh răng trước khi đi ngủ ban đêm. Khám răng định kỳ 1 - 2 lần trong năm.

Lời khuyên: Người có một trong những biểu hiện sau đây đều nghi ngờ bị viêm nha chu cần phải đến bệnh viện khám gấp: Nướu sưng đỏ hoặc đau, chảy máu khi đánh răng hoặc ăn thức ăn cứng, có mảng đỏ hoặc vết loét trong miệng, hôi miệng và răng lung lay, xuất hiện khối u trên nướu gây cảm giác cộm ở môi.

Thạc sĩ y học Mai Hữu Phước

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/viem-nha-chu-post687327.html