Việt Nam cần chính sách phù hợp để AI trở thành công cụ phát triển toàn dân

Theo UNDP, chỉ số phát triển con người và thái độ cởi mở với AI đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu cấp thiết như xây dựng hạ tầng số đồng đều, đảm bảo khả năng tiếp cận điện, Internet, thiết bị số và kỹ năng sử dụng AI cho mọi người dân...

Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có mức phát triển con người cao. Ảnh minh họa

Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có mức phát triển con người cao. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế tích cực về phát triển con người, song cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ khi bất bình đẳng và biến động toàn cầu có xu hướng gia tăng.

Theo Báo cáo Phát triển Con người năm 2025 do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố, chỉ số phát triển con người (HDI) toàn cầu đang chững lại ở mức thấp nhất kể từ năm 1990 (nếu loại trừ giai đoạn khủng hoảng 2020–2021).

Ngoài mức độ chững lại đáng lo ngại trên toàn cầu, báo cáo còn chỉ ra rằng bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo đang ngày càng gia tăng. Khi các con đường phát triển truyền thống bị thu hẹp bởi những áp lực toàn cầu, thế giới cần có những hành động quyết đoán để tránh tình trạng trì trệ kéo dài.

Nguyên nhân chính đến từ bất ổn kinh tế vĩ mô, căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng nợ và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, báo cáo đồng thời chỉ ra một điểm sáng: trí tuệ nhân tạo có thể trở thành động lực mới thúc đẩy tiến trình phát triển, nếu được ứng dụng đúng cách và đặt con người làm trung tâm.

KỶ NGUYÊN AI: CƠ HỘI MỚI CHO PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI

Trong bảng xếp hạng HDI năm 2023, Việt Nam đạt 0,766, xếp thứ 93/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có mức phát triển con người cao. So với năm 1990, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng 53,5%, từ 0,499 – một bước tiến dài phản ánh nỗ lực cải thiện toàn diện về giáo dục, y tế và thu nhập trong hơn ba thập kỷ qua.

Tuy nhiên, khi điều chỉnh theo bất bình đẳng (IHDI), chỉ số này giảm xuống còn 0,641, tương ứng với mức tổn thất 16,3% – cho thấy vẫn còn khoảng cách đáng kể trong phân bổ cơ hội và dịch vụ giữa các nhóm dân cư, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa. Đây cũng là tỷ lệ tổn thất tương đương với mức trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh các con đường phát triển truyền thống bị thu hẹp, báo cáo nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo có thể là công cụ tái thúc đẩy tiến trình phát triển con người. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm con người giữ vai trò chủ động trong toàn bộ vòng đời phát triển của AI – từ thiết kế đến triển khai, thay vì để công nghệ chi phối và làm sâu sắc thêm bất bình đẳng.

“Chúng ta đã tiến gần đến mục tiêu xây dựng một thế giới có HDI rất cao vào năm 2030. Nhưng nếu đà chững lại hiện tại trở thành ‘bình thường mới’, mốc 2030 có thể bị trì hoãn hàng thập kỷ,” ông Achim Steiner, Tổng Giám đốc UNDP cảnh báo. Ông cho rằng AI nếu được quản trị hiệu quả, có thể trở thành cầu nối giúp khơi lại đà phát triển, mở ra cơ hội học tập, việc làm và tiếp cận dịch vụ y tế cho hàng tỷ người.

VIỆT NAM CẦN CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP ĐỂ AI TRỞ THÀNH CÔNG CỤ PHÁT TRIỂN TOÀN DÂN

Báo cáo cũng công bố một khảo sát toàn cầu cho thấy nhận thức tích cực về AI đang ngày càng phổ biến. Khoảng 60% người được hỏi kỳ vọng AI sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, ngay cả khi 50% lo ngại công việc hiện tại có thể bị tự động hóa. Chỉ 13% bày tỏ nỗi sợ mất việc làm do AI.

Tại các quốc gia có HDI thấp và trung bình – nhóm mà Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về cơ cấu xã hội – 70% tin rằng AI sẽ giúp họ tăng năng suất, và 2/3 mong đợi sẽ sử dụng AI trong giáo dục, y tế hoặc công việc trong vòng một năm tới.

Báo cáo khuyến nghị một cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong phát triển AI, tập trung vào ba trụ cột chính. Một là xây dựng nền kinh tế nơi AI hợp tác với con người, không thay thế họ. Hai là đảm bảo vai trò chủ động của con người trong toàn bộ vòng đời AI. Ba là hiện đại hóa hệ thống giáo dục và y tế, để trang bị kỹ năng phù hợp cho thế kỷ 21.

Đối với Việt Nam, những tín hiệu tích cực từ chỉ số HDI và thái độ cởi mở với AI đặt ra yêu cầu cấp thiết: xây dựng hạ tầng số đồng đều, đảm bảo khả năng tiếp cận điện, Internet, thiết bị số và kỹ năng sử dụng AI cho mọi người dân. Nếu không, khoảng cách tiếp cận công nghệ có thể sớm chuyển hóa thành khoảng cách phát triển con người – đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Ông Pedro Conceição, Giám đốc Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, nhấn mạnh: “Những lựa chọn mà chúng ta đưa ra trong vài năm tới sẽ định hình di sản của quá trình chuyển đổi công nghệ này. Nếu đặt con người làm trung tâm, AI có thể trở thành cầu nối đến với tri thức, kỹ năng và cơ hội phát triển – từ người nông dân đến các chủ doanh nghiệp nhỏ”.

Bảo Bình

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/viet-nam-can-chinh-sach-phu-hop-de-ai-tro-thanh-cong-cu-phat-trien-toan-dan.htm