Việt Nam chính thức công bố thanh toán thành công bệnh mắt hột

Chiều 14-4, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố Việt Nam chính thức thanh toán bệnh mắt hột, trở thành quốc gia thứ 21 trên thế giới thành công trong việc thanh toán bệnh này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mắt hột là căn bệnh gây khó chịu cho người bệnh, giảm chất lượng sống, thậm chí gây mù lòa do các biến chứng như lông quặm, sẹo giác mạc. Cách đây 70 năm, bệnh mắt hột chiếm tới 80-90% dân số nước ta, 15% số người bị lông quặm, gây mù cho 2% dân số vùng nông thôn…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, từ nhiều thập kỷ trước, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai quyết liệt Chiến lược SAFE do WHO khuyến cáo, bao gồm: Phẫu thuật, kháng sinh, rửa mặt và Cải thiện môi trường sống…

Các cuộc điều tra và giám sát tác động được thực hiện liên tục trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2023 đã tạo cơ sở khoa học và thực tiễn vững chắc cho việc xác nhận thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam theo tiêu chuẩn, tiêu chí khắt khe của Tổ chức y tế Thế giới,

Cụ thể bao gồm: Tỷ lệ mắc bệnh quặm do mắt hột không biết đến hệ thống y tế là dưới 0,2% ở những người từ 15 tuổi trở lên; Tỷ lệ mắc bệnh mắt hột hoạt tính dưới 5% ở trẻ em trong độ tuổi 1-9 tại mỗi huyện lưu hành bệnh trước đây; có bằng chứng cho thấy hệ thống y tế có thể tiếp tục xác định và quản lý các trường hợp mắc bệnh quặm do mắt hột…

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu rõ, cho tới nay, đã có 21 quốc gia trên thế giới được WHO chính thức công nhận thanh toán bệnh mắt hột như một vấn đề y tế công cộng. Và Việt Nam đã vinh dự trở thành một trong những quốc gia đạt được thành quả quan trọng này.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu

Tuy nhiên, thanh toán bệnh mắt hột không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan hay lơ là.

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị, thời gian tới phải tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được một cách bền vững, thông qua việc tăng cường công tác giám sát, phát hiện và quản lý ca bệnh tại cộng đồng; tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh mắt hột; hay bảo đảm nguồn lực, cơ chế tài chính cho các hoạt động này…

Tại lễ công bố, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai thực hiện 3 hành động quan trọng: duy trì bền vững kết quả đã đạt được; đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho mọi người; tận dụng động lực có được từ việc thanh toán bệnh mắt hột để đẩy nhanh việc thanh toán các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-chinh-thuc-cong-bo-thanh-toan-thanh-cong-benh-mat-hot-post608938.antd