Việt Nam chính thức thanh toán một căn bệnh nguy hiểm về mắt

Sau hơn 70 năm nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là quốc gia thứ 21 thanh toán thành công bệnh mắt hột. Đây là căn bệnh truyền nhiễm từng khiến hơn 90% dân số mắc phải

Vào những năm đầu thế kỷ 20, có tới hơn 90% dân số Việt Nam mắc phải căn bệnh này. Các biến chứng như lông quặm, sẹo giác mạc gây đau đớn, trầy xước giác mạc, thậm chí mù lòa đã khiến hàng triệu người phải sống trong đau đớn.

PGS-TS.Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại sự kiện.

PGS-TS.Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu tại sự kiện.

Bệnh này chủ yếu xuất hiện ở các vùng nông thôn, nơi điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước sạch, đồng thời có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng đói nghèo. Tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để giải quyết vấn đề này, và kết quả hôm nay chính là minh chứng cho những thành tựu đáng tự hào trong công cuộc cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Chiều ngày 14/4, tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội), Bộ Y tế đã tổ chức Lễ công bố Việt Nam thanh toán thành công bệnh mắt hột. Sự kiện này diễn ra sau khi WHO khu vực Tây Thái Bình Dương chính thức công nhận Việt Nam đã loại trừ căn bệnh này khỏi danh sách các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Đây là thành tựu lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công cuộc phòng chống bệnh tật của Việt Nam.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ 75 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương vào ngày 21/10/2024 tại Philippines, Việt Nam đã được vinh danh vì đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kiểm soát, giám sát và chăm sóc sau thanh toán bệnh mắt hột.

PGS-TS.Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết vào những năm đầu thế kỷ 20, hơn 90% dân số Việt Nam mắc bệnh mắt hột.

Trong đó, khoảng 15% người bệnh bị lông quặm, một biến chứng nghiêm trọng khiến lông mi mọc ngược vào mắt, gây đau đớn và làm tăng nguy cơ mù lòa. Trước năm 1945, việc phòng chống bệnh mắt hột gần như không được chú trọng.

Năm 1957, Viện Mắt hột, tiền thân của Bệnh viện Mắt Trung ương được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong công cuộc chống mù lòa tại Việt Nam.

Các phong trào phòng chống bệnh mắt hột được triển khai rộng rãi, từ việc tuyên truyền kiến thức về vệ sinh cá nhân, thành lập đội ngũ chuyên trách tại địa phương, cho đến việc tổ chức các đoàn xe lưu động khám chữa bệnh và phẫu thuật miễn phí cho người dân.

Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế, giúp triển khai các chương trình can thiệp cộng đồng hiệu quả. Nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế và sự đồng lòng của cộng đồng, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, thanh toán bệnh mắt hột không đồng nghĩa với việc được phép lơ là hay chủ quan. Nhiệm vụ đặt ra là phải duy trì và bảo vệ thành quả một cách bền vững.

Thứ trưởng cũng cho biết, ngành Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh giám sát cộng đồng, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Các hoạt động như chi trả chi phí phẫu thuật lông quặm thông qua bảo hiểm y tế cũng cần được duy trì.

“Thành công hôm nay là niềm tự hào của ngành Y tế Việt Nam và là động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau,” Thứ trưởng khẳng định.

Việc loại bỏ bệnh mắt hột là thành tựu lớn không chỉ đối với ngành Y tế mà còn là niềm tự hào chung của toàn xã hội. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, ngành Y tế, các tổ chức quốc tế và cộng đồng dân cư.

Với kết quả này, Việt Nam không chỉ loại bỏ một căn bệnh nguy hiểm mà còn mở ra một tương lai tươi sáng cho sức khỏe cộng đồng, đồng thời chứng minh rằng sự kiên trì, cam kết và phối hợp hiệu quả có thể giúp giải quyết những vấn đề y tế khó khăn nhất.

Về phía tổ chức quốc tế, theo TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, bệnh mắt hột là một căn bệnh liên quan đến điều kiện sống kém vệ sinh, thường xảy ra ở các cộng đồng vùng sâu, vùng xa, nơi người dân thiếu nước sạch và không có hệ thống vệ sinh cơ bản.

“Việt Nam đã chứng minh rằng có thể tiếp cận và chăm sóc những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất, đồng thời đầu tư hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cộng đồng,” bà Pratt chia sẻ.

Trong buổi lễ, bà cũng khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện ba hành động trọng tâm để duy trì kết quả đạt được: Duy trì giám sát chặt chẽ và đảm bảo người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt, nước sạch và vệ sinh môi trường;

Đồng thời đảm bảo mọi người dân, ở mọi vùng miền, đều được tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt có chất lượng; Tận dụng động lực từ thành công này để đẩy nhanh việc thanh toán các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-chinh-thuc-thanh-toan-mot-can-benh-nguy-hiem-ve-mat-d267777.html