Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển

Bất chấp những cơn gió ngược về tăng trưởng theo chu kỳ ngắn hạn, Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu...

Một nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Prensa Latina

Một nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Prensa Latina

Ngày 28-4 (giờ địa phương), Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã tổ chức Ngày Việt Nam lần thứ 8. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam, giảng viên và sinh viên các trường đại học tại Liên bang Nga có giảng dạy môn tiếng Việt…

“Cường quốc tầm trung”

Sau phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học với chủ đề “Việt Nam trước bối cảnh thế giới nhiều biến động về chính trị, kinh tế - xã hội” của ông Andrey Anatolievich Baykov, Hiệu phó phụ trách công tác khoa học của MGIMO, đã diễn ra phiên thảo luận chung giữa Trung tâm ASEAN với Học viện Ngoại giao Việt Nam, cùng với 4 phiên thảo luận chuyên đề.

Phiên thảo luận chung mang chủ đề “Các diễn biến trên Biển Đông: Nhận định của Nga và Việt Nam”; trong khi các phiên thảo luận chuyên đề có các chủ đề: “Việt Nam phát triển năng động: Thành tựu, Thách thức và Triển vọng”, “Việt Nam và các tổ chức quốc tế: Lịch sử hợp tác và thực trạng”, “Chính sách đối ngoại của Việt Nam: Đối tác và lĩnh vực hợp tác”, “Diễn biến kinh tế - xã hội Việt Nam trước và sau đại dịch Covid-19”.

Tại 4 phiên thảo luận chuyên đề, các báo cáo viên nêu lên những khó khăn, thách thức của bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới hiện nay, đồng thời đánh giá cao vị thế quốc tế của Việt Nam, thể hiện rõ qua vai trò của Việt Nam tại Liên hiệp quốc, các chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa hiệu quả và tiềm năng đáng kỳ vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Các đại biểu tham dự đã kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ Nga - Việt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tiếp nối các phiên thảo luận chuyên đề là buổi giới thiệu cuốn sách “Các tổ chức khu vực trong chính sách đối ngoại của Việt Nam” của tác giả Vershinina Valeria Valerevna, chuyên gia Trung tâm ASEAN.

Trong cuốn sách, tác giả Valeria đã gọi Việt Nam là một “cường quốc tầm trung” và đưa ra những phân tích, đánh giá về quá trình hình thành, phát triển chính sách đối ngoại của Việt Nam, cách tiếp cận của Việt Nam với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, cũng như những đóng góp và vai trò quan trọng của Việt Nam trong các tổ chức khu vực như ASEAN, APEC, ADMM+…

Nhiều lợi thế

Cũng liên quan tới Việt Nam, khi đề cập đến sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Báo The Business Times dẫn kết quả nghiên cứu của Tập đoàn DBS (Singapore) khẳng định: “Bất chấp những cơn gió ngược về tăng trưởng theo chu kỳ ngắn hạn, Việt Nam vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu”.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, dẫn đến việc các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn đa quốc gia đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng, DBS tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia hưởng lợi chính từ việc tái định vị chuỗi cung ứng hoặc hợp tác sản xuất của những ông lớn thế giới.

Ông Chua Han Teng, chuyên gia kinh tế của DBS, nhận định, Việt Nam sở hữu các yếu tố thuận lợi khác nhau. Theo đó, việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, có vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động lành nghề cạnh tranh và hệ sinh thái điện tử đang phát triển, là điểm đến luôn giành được sự ưu ái đầu tư sản xuất từ nước ngoài… đã đóng góp chung vào thành công của quốc gia Đông Nam Á này.

Nhóm phân tích của DBS lưu ý, vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất mới của Việt Nam trong quý 1-2023 đã tăng lên mức cao nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19. Ông Chua Han Teng nhấn mạnh rằng, xu hướng hồi phục diễn ra sau khi tổng vốn FDI đăng ký mới suy yếu vào năm 2022, dù lĩnh vực sản xuất vẫn ổn định, cho thấy đóng góp và tầm quan trọng của lĩnh vực này sẽ tăng lên.

MINH CHÂU tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viet-nam-co-nhieu-yeu-to-thuan-loi-de-phat-trien-post687798.html