Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng

Nửa đầu năm, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công, đạt tăng trưởng GDP 7,52% - chỉ số tăng trưởng cao trong tình hình hiện nay và phấn đấu cả năm từ 8% trở lên. Các chuyên gia, tổ chức đánh giá, Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng.

GDP cao nhất trong 15 năm qua nhờ đâu?

6 tháng đầu năm 2025 chứng kiến một bức tranh kinh tế toàn cầu phức tạp và khó lường. Trước tình hình đó, hàng loạt tổ chức quốc tế đã phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025. Trong khu vực, xu hướng tăng trưởng chậm lại cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Cả WB, IMF và OECD đều dự báo tăng trưởng năm 2025 của các nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều thấp hơn so với năm 2024.

Trong khi đó, Việt Nam - GDP 6 tháng đạt lên đến 7,52%, mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 -2025… Thành tích này đặt Việt Nam vào nhóm tăng trưởng dẫn đầu châu Á và là điểm sáng hiếm hoi của khu vực, dù nền kinh tế vẫn chịu tác động không nhỏ do sự chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế đến từ sự đóng góp đồng đều của cả ba khu vực.

Khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao với mức tăng 8,14% trong 6 tháng đầu năm, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025 và đóng góp tới 52,21% vào mức tăng chung. Các hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt là du lịch. Theo Cục Thống kê, nửa đầu năm 2025, ngành này đạt đột phá khi liên tiếp lập kỷ lục về đón khách nước ngoài, đạt gần 10,7 triệu lượt khách, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng vững chắc với mức tăng 8,33%, đóng góp 42,20% vào tăng trưởng chung. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cốt lõi với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành xây dựng ghi nhận mức tăng kỷ lục 9,62%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025, cho thấy sự sôi động của hoạt động đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng. Những con số nói trên tương thích với sự nhộn nhịp với hàng loạt dự án tỷ USD từ hạ tầng, bất động sản, logistics, du lịch, thương mại, sản xuất… được triển khai từ Bắc vào Nam.

Xuất khẩu đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP nửa đầu năm. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2025 kim ngạch xuất khẩu đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng năm trước. Thặng dư thương mại tiếp tục duy trì với mức 7,63 tỷ USD.

Ngoài ra, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng bứt phá với hơn 21,51 tỷ USD, tăng hơn 32% so cùng kỳ, vốn thực hiện của khối này cũng tăng rất mạnh.

Đặc biệt, các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng tới 14,58%, phản ánh hiệu quả từ cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy nhà nước.

Nền tảng tích cực cho cả năm 2025

Trước tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 7,52% so với cùng kỳ năm trước, các chuyên gia cho rằng, sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh cho rằng, tăng trưởng trong lĩnh vực vận tải, du lịch, ăn uống vào tháng 6 tăng là tương đối phù hợp do nhu cầu du lịch, đi lại ngay tháng đầu hè thường rất mạnh. Ông cũng dự báo tăng trưởng của khu vực dịch vụ, du lịch sẽ tiếp tục tăng tốt trong đầu quý III.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP hiện vẫn còn ở mức trên 30%. Đây là mức cao trên thế giới, đã góp phần làm cho GDP của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong thời gian dài và gần đây đạt mức cao thuộc tốp đầu trên thế giới, ngay cả khi gặp đại dịch Covid-19. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo. Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu cần tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11 - 12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; đồng thời, tăng tốc mạnh mẽ, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước ngày 31/12/2025.

Bên cạnh đó, tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chính sách giảm thuế GTGT 2% có hiệu lực từ 1/7 đối với nhiều mặt hàng hóa và các chính sách thương mại kích cầu tiêu dùng trong nước. Các khoản hỗ trợ theo Nghị định 178 sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, tích lũy tài sản, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16% sẽ tạo ra dư địa rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, chủ yếu thông qua việc cung cấp nguồn vốn dồi dào để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng toàn xã hội.

Mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đã cho thấy sự chủ động nỗ lực của cộng đồng DN, đặc biệt trong việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á với hệ thống cảng biển, logistics đang được đầu tư mạnh. Đặc biệt với nền kinh tế mở với 16 FTA đã ký kết, giúp giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, tăng khả năng thích ứng trước biến động thương mại quốc tế.

Từ các dư địa tăng trưởng, Cục Thống kê cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8%.

Bệ phóng từ cuộc cách mạng thể chế và các cực tăng trưởng

“Khi nhiều quốc gia gặp cú sốc kinh tế lớn thì Việt Nam vẫn duy trì ổn định nhờ Chính phủ có nhiều nỗ lực hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư, mở ra dư địa tăng trưởng” - TS Tamara Henderson chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg đánh giá.

Là một chuyên gia có 39 năm kinh nghiệm, bà Tamara Henderson chia sẻ về bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, nơi đang chứng kiến hàng loạt biến động và nhấn mạnh để một quốc gia có thể phát triển bền vững, điều tiên quyết là phải dám đối mặt với những thách thức và thực hiện các thay đổi mang tính then chốt.

Việt Nam đang có nhiều thay đổi về thể chế để tạo động lực phát triển mới.

4 nghị quyết 68-NQ/TW 2025 về phát triển kinh tế tư nhân, 59-NQ/TW 2025 hội nhập quốc tế trong tình hình mớ; 57-NQ/TW 2024 đột phá khoa học và công nghệ; 66-NQ/TW 2025 đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đang tạo hành lang pháp lý... là nền tảng quan trọng, là kim chỉ nam thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngoài ra, vừa qua, Việt Nam cũng đã ban hành sửa 28 luật, mở đường thu hút các nguồn lực tập trung phát triển kinh tế đất nước, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, nhiều nghị định đều tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản để thu hút nguồn lực, công nghệ...

Tại Diễn đàn Kinh tế 2025 mới đây, các chuyên gia chỉ ra, trong giai đoạn tới, các động lực tăng trưởng theo thành phần kinh tế hiện đã được khẳng định. Khu vực tư nhân được xác định là động lực chính, bên cạnh đó, khu vực FDI có vai trò quan trọng, do tiềm lực về công nghệ và định hướng xuất khẩu. Khu vực kinh tế nhà nước duy trì vai trò ổn định và trong một số ngành chiếm vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó là các vùng kinh tế. Có hai vùng được coi là động lực chính bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh xung quanh hai TP này. Đây là những địa phương hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tăng trưởng cũng như có nhiều tiềm năng trong giai đoạn tới. Ngoài ra, dọc ven biển miền Trung, có ba vùng động lực khác gồm Thanh Hóa và các tỉnh gần Thanh Hóa, TP Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Theo các chuyên gia, cùng với cuộc cách mạng về thể chế, tinh gọn bộ máy, các quyết sách ủng hộ tuyệt đối khu vực kinh tế tư nhân và sự quyết tâm cao của các bộ ngành, địa phương… Nếu được triển khai nhất quán, minh bạch, đây có thể là bước ngoặt làm thay đổi cấu trúc kinh tế, tăng năng suất và cải thiện sức cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 10% nếu biết tận dụng các yếu tố vĩ mô thuận lợi như dân số trẻ, nền tảng chuyển đổi số, cùng với quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như AI, thương mại điện tử hay sản xuất linh kiện công nghệ cao.

Ông Nguyễn Xuân Giao, Giám đốc Quỹ đầu tư Việt Nam - Oman

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-con-nhieu-du-dia-tang-truong-1.765971.html