Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng 30% GDP vào 2030

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20%, 30% GDP. Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.

Phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” sáng ngày 30/9, Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, phát triển số, tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động.

Phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại hội thảo.

Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại hội thảo.

“Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20%, 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025, tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Việt Nam phấn đấu sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này”, ông Minh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Minh, trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, việc phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Nội dung này bao gồm xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G.

Đồng thời, mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT)...

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Theo bà Rita Mokbel - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Việt Nam đang đạt được những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là thông qua việc đấu giá tần số 5G. 5G sẽ mở ra một thế giới giải trí sống động, giáo dục hấp dẫn và thu hẹp khoảng cách kiến thức.

Các định dạng mới như video 4K, trải nghiệm 360 độ và video đa chế độ đang ngày càng thúc đẩy việc sử dụng và tiêu thụ dữ liệu 5G. Kết nối tốt hơn sẽ mang lại những cải tiến đáng kể trong giáo dục từ xa, phát triển các thành phố thông minh, nâng cao chất lượng dịch vụ công, gia tăng sự hòa nhập số và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đối với doanh nghiệp, 5G là nền tảng cho hiệu quả và tính linh hoạt, giúp nâng cao năng suất, trau dồi kiến thức và tiết kiệm chi phí. Ví dụ, ngành sản xuất sẽ được hưởng lợi từ việc áp dụng các khái niệm và công nghệ của Công nghiệp 4.0, đạt được hiệu suất cao hơn và chất lượng tốt hơn.

5G là cầu nối thành công cho các trường hợp ứng dụng và giải pháp doanh nghiệp mới, nhờ vào khả năng kết nối liền mạch, đáng tin cậy và an toàn.

Bàn về xu hướng chuyển đổi trí tuệ nhân tại (AI), bà Rita Mokbel cho rằng, AI đang tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là sản xuất, chăm sóc sức khỏe và logistics. Công nghệ này không chỉ tự động hóa quy trình mà còn nâng cao khả năng ra quyết định và cải thiện tương tác với khách hàng.

“Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự ứng dụng của AI trong các nhà máy thông minh. Khi hạ tầng số tiếp tục mở rộng, AI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Khả năng phân tích dữ liệu theo thời gian thực của AI mở ra nhiều cơ hội mới, từ cung cấp dự báo trong sản xuất, trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa đến quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Những thay đổi này sẽ có tác động sâu sắc đến nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai”, Chủ tịch Ericsson Việt Nam khẳng định.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/viet-nam-dat-muc-tieu-kinh-te-so-chiem-ty-trong-30-gdp-vao-2030/20240930101803679