Việt Nam đề nghị WIPO tiếp tục giúp đỡ trong việc thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia

Sáng 4/10 tại Geneva, Thụy Sỹ, Khóa 62 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã khai mạc trọng thể tại Trụ sở WIPO. Do tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, đây là năm thứ hai liên tiếp Đại hội đồng WIPO được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tổng giám đốc WIPO Daren Tang phát biểu khai mạc Khóa 62 Đại hội đồng WIPO, ngày 4/10.

Tổng giám đốc WIPO Daren Tang phát biểu khai mạc Khóa 62 Đại hội đồng WIPO, ngày 4/10.

Tham dự trực tiếp Đại hội đồng WIPO tại Geneva có toàn thể Ban lãnh đạo WIPO, một số Bộ trưởng, Đại sứ Trưởng Phái đoàn đại diện ở Geneva, và đại diện Phái đoàn của các quốc gia thành viên tại Geneva.

Trong khi đó, hầu hết đại biểu của các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia tham dự hội nghị từ xa.

Dự hội nghị còn có đại diện các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quan sát viên. Đại hội đồng năm nay diễn ra dưới sự chủ trì của Đại sứ Omar Zniber, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Morocco tại Geneva.

Phát biểu khai mạc Đại hội đồng WIPO, Tổng giám đốc WIPO Daren Tang nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh ở các quốc gia thành viên, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và kém phát triển.

Tổng giám đốc WIPO cam kết cùng các quốc gia thành viên xây dựng hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu, thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ ở các trường đại học, tổ chức nghiên cứu, cũng như hỗ trợ các nhà sáng chế và kinh doanh ở các quốc gia.

Ông Tang nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với những thách thức toàn cầu của đại dịch, biến đổi khí hậu, tăng trưởng bất bình đẳng và những thách thức khác, mức tăng trưởng năm 2020 về hồ sơ IP, chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển và hoạt động đầu tư mạo hiểm đã mở rộng. Điều này không giống như trong các cuộc suy thoái khác, khi các chỉ số đó đều giảm.

Tổng giám đốc Tang bày tỏ mong muốn WIPO sẽ thúc đẩy để tất cả các nước thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển và các nước kém phát triển (LDCs), sử dụng Sở hữu trí tuệ là một công cụ mạnh mẽ để phát triển kinh tế và xã hội.

Nhà lãnh đạo WIPO cũng kêu gọi các nước hành động chung để khắc phục đại dịch Covid-19 và các thách thức toàn cầu khác.

Đại diện các nước thành viên phát biểu tại hội nghị đều bày tỏ sự ủng hộ đối với hoạt động của WIPO dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Daren Tang, đặc biệt là chương trình hành động thể hiện trong Kế hoạch chiến lược trung hạn của WIPO giai đoạn 2022-2026, trong đó đánh giá cao tầm nhìn về việc xây dựng một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ toàn cầu cân bằng và hiệu quả.

Đại sứ, TS. Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Geneva phát biểu tại Đại hội đồng WIPO, ngày 5/10.

Đại sứ, TS. Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Geneva phát biểu tại Đại hội đồng WIPO, ngày 5/10.

Đại diện cho Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva đã tham dự và phát biểu trực tiếp tại Đại hội đồng WIPO.

Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của WIPO trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva đề nghị WIPO tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030, hỗ trợ thực thi có hiệu quả các điều ước quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các điều ước liên quan đến các hệ thống đăng ký quốc tế của WIPO.

Đại diện Việt Nam đề nghị WIPO tạo điều kiện để các thành viên hệ sinh thái sở hữu trí tuệ Việt Nam tham gia và hưởng lợi từ các chương trình và dự án của WIPO, tiếp tục hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam hoàn thiện dự án số hóa, đặc biệt là kết thúc Dự án WIPO-IPAS đang bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đại sứ cam kết Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ và hợp tác có hiệu quả với WIPO và các quốc gia thành viên thúc đẩy hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và quốc tế để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là ứng phó với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Cùng với mối lo của nhiều đại biểu trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng bày tỏ hoan nghênh sáng kiến hợp tác ba bên giữa WIPO, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với đại dịch.

Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva kêu gọi WIPO cung cấp công cụ chia sẻ và phân tích dữ liệu và thông tin sáng chế liên quan đến vaccine và công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 để thúc đẩy việc mở rộng sản xuất và phân phối công bằng vaccine trên toàn thế giới, nhằm phục hồi sau đại dịch.

Theo chương trình đã định, Khóa 62 Đại hội đồng WIPO sẽ diễn ra trong cả tuần từ 4-8/10.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại Geneva)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-de-nghi-wipo-tiep-tuc-giup-do-trong-viec-thuc-hien-chien-luoc-so-huu-tri-tue-quoc-gia-160786.html