Việt Nam đồng ý cho Vương quốc Anh và Bắc Ai-len gia nhập CPTPP

Vương quốc Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường đối với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP, cao hơn so với cam kết của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).

Sáng 25-6, với 459 ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về Nghị quyết này.

Các ĐB đều nhất trí Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và Bắc Ai-len là một phần không tách rời của Hiệp định CPTPP, có nội dung sửa đổi, bổ sung Hiệp định CPTPP thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội.

Việc phê chuẩn Nghị quyết này là cần thiết. Các ĐBQH cho rằng: Vương quốc Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường đối với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP, cao hơn so với cam kết của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) trong một số nội dung quan trọng đối với Việt Nam. Trong khuôn khổ gia nhập Hiệp định CPTPP, Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.

Việc Quốc hội khóa XV phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Văn kiện, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam với Vương quốc Anh; khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới; tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH về phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh. Ảnh: QH

Một số ý kiến đề nghị thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Văn kiện, Hiệp định CPTPP cũng như Hiệp định UKVFTA để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định: Chính phủ đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong dự thảo Kế hoạch thực hiện Văn kiện, trong đó đã bao gồm nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Văn kiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung tại Kế hoạch thực hiện Văn kiện nội dung tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiệp định CPTPP cũng như Hiệp định UKVFTA.

Có ý kiến đề nghị khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật cần thiết của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để thực thi các cam kết, đảm bảo triển khai đầy đủ, hiệu quả Văn kiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay: Tại Báo cáo thuyết minh và dự thảo kế hoạch thực hiện Văn kiện gửi Quốc hội, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành có liên quan tiến hành ngay việc rà soát, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới ở cấp độ dưới luật để hướng dẫn thực thi các cam kết của Việt Nam đối với Vương quốc Anh. Trong trường hợp cần thiết để thực hiện các cam kết đúng thời hạn, các văn bản pháp luật này sẽ được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tiếp thu những ý kiến, giải pháp mà các ĐB đã nêu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát huy lợi thế của Việt Nam, các địa phương và doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội khi Văn kiện có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và quy định chi tiết các nội dung này trong Kế hoạch thực hiện Văn kiện.

CPTPP là gì?

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3-2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được chính thức ký ngày 4-2-2016 và dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018. Tuy nhiên, đến tháng 1-2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu.

Tháng 11-2017, 11 nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3-2018 với 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Hoa Kỳ). CPTPP chính thức có hiệu lực tại Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand vào ngày 30-12-2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ 14-1-2019…

Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên ngoài nhóm quốc gia sáng lập tham gia vào Hiệp định. Sau khi nộp đơn xin gia nhập vào tháng 2-2021, Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập CPTPP vào ngày 16-7-2023, nâng tổng số thành viên của Hiệp định lên 12 thành viên.

Hiện có 5 quốc gia/nền kinh tế khác đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, bao gồm: Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa, Ecuador, Costa Rica và Uruguay.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-dong-y-cho-vuong-quoc-anh-va-bac-ai-len-gia-nhap-cptpp-post797231.html