Việt Nam được WHO công nhận đã thanh toán bệnh mắt hột

Việt Nam được WHO công nhận đã thanh toán bệnh mắt hột, dấu mốc y tế khẳng định nỗ lực của ngành y, hợp tác quốc tế trong phòng chống bệnh gây mù lòa này.

Ngày 19/5, tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã trao chứng nhận thanh toán bệnh mắt hột cho Việt Nam trong khuôn khổ Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 78 (WHA78). GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Trưởng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại WHA đã đại diện lên nhận chứng nhận từ WHO, ghi dấu một thành tựu y tế mang tầm quốc gia và quốc tế.

Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã trao chứng nhận thanh toán bệnh mắt hột cho Việt Nam. Ảnh: WHO

Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã trao chứng nhận thanh toán bệnh mắt hột cho Việt Nam. Ảnh: WHO

Việc Việt Nam được công nhận đã thanh toán bệnh mắt hột không chỉ khẳng định hiệu quả của chiến lược y tế cộng đồng dài hạn, mà còn là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, ngành Y tế và các tổ chức quốc tế. Trong những năm qua, hàng triệu người dân tại các vùng nông thôn, miền núi, nơi có nguy cơ cao về bệnh mắt hột, đã được tiếp cận các chương trình sàng lọc, điều trị và cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân – môi trường sống, giúp giảm triệt để tỷ lệ mắc bệnh.

Bệnh mắt hột (trachoma) là một bệnh nhiễm khuẩn mạn tính do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Theo WHO, việc một quốc gia được công nhận "đã thanh toán bệnh mắt hột" đồng nghĩa với việc bệnh không còn là vấn đề y tế công cộng đáng lo ngại tại quốc gia đó.

Việt Nam trở thành quốc gia thứ 18 trên thế giới được WHO công nhận thanh toán bệnh mắt hột – một bước tiến lớn trong việc đảm bảo quyền được nhìn thấy và sống khỏe mạnh cho hàng triệu người dân.

Theo số liệu của WHO, tính đến năm 2023, số người có nguy cơ mắc bệnh mắt hột trên thế giới đã giảm 7%, từ 125 triệu người vào năm 2022 xuống còn khoảng 115,7 triệu người. Phần lớn trong số đó vẫn đang sinh sống tại các khu vực có tỷ lệ bệnh mắt hột hoạt tính từ 5% trở lên – chủ yếu là những địa bàn có điều kiện vệ sinh môi trường và tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế.

Bên cạnh đó, tổng gánh nặng toàn cầu của bệnh quặm do mắt hột – biến chứng nặng nề nhất của bệnh mắt hột – cũng đã giảm từ 1,7 triệu ca năm 2022 xuống còn khoảng 1,5 triệu ca năm 2023. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong nỗ lực toàn cầu phòng chống bệnh mắt hột.

Cho tới nay, đã có 21 quốc gia trên thế giới được WHO chính thức công nhận thanh toán bệnh mắt hột như một vấn đề y tế công cộng. Việt Nam đã vinh dự trở thành một trong những quốc gia đạt được thành quả quan trọng này.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/viet-nam-duoc-who-cong-nhan-da-thanh-toan-benh-mat-hot-post1542761.html