Việt Nam - Hàn Quốc còn nhiều dư địa thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm phát triển

Việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm có rất nhiều tiềm năng để phát huy lợi thế của 2 quốc gia. Điều này phù hợp với chính sách ưu tiên của Chính phủ Việt Nam là đưa công nghiệp thực phẩm là một trong các ngành công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thông tin này được ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương nhấn mạnh tại tọa đàm chính sách trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm phối hợp cùng Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Nông thủy sản, Thực phẩm và Phân phối Hàn Quốc tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 13/4 tại Hà Nội.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các hiệp hội ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam - Hàn Quốc đã chia sẻ những thông tin quan trọng và kinh nghiệm về phát triển công nghiệp thực phẩm cũng như học hỏi kinh nghiệm trong phân phối sản phẩm, đặc biệt của doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trái cây đặc sản của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị Hàn Quốc. Ảnh: TL

Trái cây đặc sản của Việt Nam được bày bán tại các siêu thị Hàn Quốc. Ảnh: TL

Doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi thông qua sự hỗ trợ và đi đến hợp tác kinh doanh với các tập đoàn lớn như Lotte Mart, E - Mart, Home Plus, CJ nhằm tạo cơ hội bán hàng và hiện diện thương hiệu tại siêu thị và trung tâm thương mại Hàn Quốc như Coupang, Gmarket… từng bước thâm nhập vào thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc.

Ông Vũ Bá Phú phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hải Anh

Ông Vũ Bá Phú phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hải Anh

Về tiềm năng phát triển công nghiệp thực phẩm của Việt Nam, ông Vũ Bá Phú cũng chỉ ra rằng, trong vòng 5 năm qua, lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam tăng trung bình lần lượt 9,68% và 6,66%, trong các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Các loại trái cây chủ lực và thu hút khách hàng gồm xoài, chuối, thanh long, cam, dứa.

Đặc biệt, công nghiệp thực phẩm cũng là một trong các ngành công nghiệp chủ lực được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với ngành thực phẩm hai nước, các thương hiệu thực phẩm Hàn Quốc đã hiện diện rất thành công tại Việt Nam. Đơn cử như rượu Soju vị trái cây, phù hợp với khẩu vị của người Việt vào mùa hè, hay hương vị đã tồn tại lâu dài và có thương hiệu với người Việt đến từ O’Star là bánh ChocoPie cũng không ngừng phát triển và gia tăng thị phần.

Ngược lại, sản phẩm nổi bật tại thị trường Hàn Quốc có nguồn gốc Việt Nam đó là bạch tuộc tươi/sống và đông lạnh, chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu và là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh mực chế biến làm sạch đông lạnh và mực sushi đông lạnh cũng thu hút khẩu vị người tiêu dùng Hàn Quốc.

4 hiệp định thương mại đã được ký kết có sự hiện diện của hai quốc gia cũng góp phần thúc đẩy đáng kể hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Hàn Quốc và ngược lại.

Về cơ hội hợp tác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang có một lượng lớn nguyên liệu thô mà doanh nghiệp Hàn Quốc đặt mục tiêu mang lại giá trị gia tăng qua việc chế biến. Ngành công nghiệp của Hàn Quốc rất tiên tiến về quy trình và năng suất nên việc mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam một số kỹ năng bổ sung sẽ là cầu nối để mở rộng quan hệ kinh doanh.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-han-quoc-con-nhieu-du-dia-thuc-day-nganh-cong-nghiep-thuc-pham-phat-trien-125656.html