Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư Dubai
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Dubai có nhu cầu thúc đẩy thương mại hàng hóa, đầu tư trên nhiều lĩnh vực như logistics, tài chính, công nghệ… Đây là nội dung được các chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn 'Doing Bussiness in Vietnam' do Phòng Thương mại Quốc tế Dubai (Dubai Chambers) phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 9/5.
Ông Mohammad Ali Rashed Lootah, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Dubai Chambers cho rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Dubai trong lĩnh vực đầu tư và xúc tiến thương mại. Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn mạnh nhờ các chính sách kinh tế thuận lợi, cơ sở hạ tầng vững chắc, lực lượng lao động lành nghề và là nơi có vị trí mang đầy tính chiến lược. Các thành viên của Dubai chamber đánh giá cao cơ hội và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Mohammad Ali Rashed Lootah, Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện. Các doanh nghiệp Dubai mong muốn nắm bắt các cơ hội giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung và kỳ vọng hiệp định sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Thỏa thuận này cũng sẽ mở rộng hơn khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam thông qua cửa ngõ Dubai.
Theo Phòng Thương mại Quốc tế Dubai, những lĩnh vực mang lại cơ hội xuất khẩu tiềm năng cao từ Việt Nam sang Dubai bao gồm đồ nội thất, các loại hạt, trái cây nhiệt đới và cà phê. Ngược lại, ở lĩnh vực đầu tư các doanh nghiệp Dubai đánh giá cao tiềm năng phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng, du lịch và công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam.
Tiến sĩ Bader Al Matrooshi, Đại sứ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tại Việt Nam cho rằng, Quan hệ giữa UAE và Việt Nam đang chứng kiến những bước phát triển quan trọng thông qua các cuộc trao đổi phái đoàn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chương trình xúc tiến thương mại trong thời gian vừa qua. UAE cũng được coi là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực Trung Đông về các sản phẩm phi dầu mỏ với kim ngạch thương mại lên tới trên 8 tỷ USD.
“Diễn đàn xúc tiến thương mại và các sự kiện bên lề do Phòng Thương mại quốc tế Dubai tại TP Hồ Chí Minh tổ chức là một ví dụ điển hình về khát vọng của UAE trong việc nắm bắt cơ hội tăng cường quan hệ đối tác thương mại, đầu tư với Việt Nam. Đồng thời chúng tôi cũng mong muốn biến những cơ hội này thành kết quả thực chất. Diễn đàn cũng mang đến một bức tranh với đầy đủ thông tin về bối cảnh kinh tế của Dubai, đồng thời nêu ra vô số lợi thế cạnh tranh mà tiểu vương quốc này mang lại cho những doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc mở rộng thị trường qua Trung Đông và các khu vực xa hơn nữa”, Đại sứ UAE tại Việt Namchia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: Việc Phòng Thương mại quốc tế Dubai tại TP Hồ Chí Minh quyết định chọn thành phố làm địa điểm tổ chức Diễn đàn “Doing Business with Viet Nam" lần đầu tiên khẳng định mong muốn của UAE trong việc tìm hiểu sâu hơn về tiềm năng hợp tác với thành phố - trung tâm kinh tế hàng đầu và tiên phong hội nhập quốc tế của Việt Nam. Về phía TP Hồ Chí Minh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài; trong đó, có các nhà đầu tư UAE đến đầu tư, kinh doanh lâu dài, góp phần vào sự tăng trưởng phù hợp với nhu cầu và tiềm năng của cả hai bên.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, UAE hiện đứng thứ 42/120 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào TP Hồ Chí Minh với 27 dự án còn hiệu lực. Vào cuối năm 2023, bất chấp những phức tạp toàn cầu, xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh sang UAE đã tăng hơn 4% so với năm 2022, đạt tổng trị giá gần 340 triệu USD. Những con số này là minh chứng cho những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh và các đối tác UAE trong việc góp phần phát triển toàn diện và thực chất hơn nữa mối quan hệ Việt Nam – UAE.
Ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế, Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp tại HSBC Việt Nam, đánh giá: Việt Nam là nền kinh tế mở, tiềm năng tăng trưởng lớn dựa trên các nguồn lực xuất khẩu, bán lẻ và thu hút đầu tư nước ngoài. Với độ mở lớn của nền kinh tế, rất có thể trong 2-3 năm tới Việt Nam sẽ đạt đến cấp độ hòa nhập với số lượng các nhà đầu tư tăng đột biến theo cấp số nhân. Dự đoán của HSBC đến năm 2030, Việt Nam cũng sẽ nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng tiêu dùng nhanh nhất thế giới. Thị trường phát triển năng động; hệ sinh thái công nghiệp, nhà xưởng thúc đẩy sản xuất đang hình thành. Chính phủ cởi mở và luôn đồng hành với doanh nghiệp là những lợi thế giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, thông tin, Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư để đón đầu cơ hội từ các dòng đầu vốn đầu tư mới đổ vào. Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng đã có một số khu công viên phần mềm, khu công nghệ cao sẵn sàng cung cấp nền tảng về công nghệ cho các nhà đầu tư muốn hợp tác kinh doanh.
Theo Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh, công nghệ thông tin là một trong những thế mạnh của Việt Nam hiện nay với sự đồng hành của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung... Thị trường công nghệ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhờ cơ cấu dân số trẻ, khả năng tiếp cận thông tin nhanh và bùng nổ thương mại điện tử. Ngoài việc thu hút đầu tư đến Việt Nam thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể xem Dubai là thị trường cửa ngõ để tiếp cận các quốc gia khác ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi và vươn ra thế giới.