Việt Nam hiện có tổng số 476 công trình xanh

Đến hết quý 2/2024, Việt Nam có tổng số 476 công trình xanh tương đương với 11,489 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, đến hết quý 2/2024, Việt Nam có tổng số 476 công trình xanh tương đương với 11,489 triệu m2 sàn đạt chứng nhận xanh.

Trong đó, có 209 công trình đạt chứng nhận xanh EDGE với hơn 4,7 triệu m² sàn, 51 công trình đạt Green Mark với hơn 1,9 triệu m² sàn, và 176 công trình đạt LEED với hơn 4,2 triệu m² sàn.

Tính theo tỷ lệ phần trăm các loại hình công trình, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 37,8%; công trình nhà ở chiếm tỷ lệ hơn 36,3%; công trình văn phòng 11,88%; cơ sở lưu trú 6,52%..

Các tỉnh, thành phố tập trung nhiều diện tích sàn đạt chứng nhận xanh như: TP.HCM hơn 2,9 triệu m2; TP Hà Nội hơn 2 triệu m2; Bình Dương hơn 930 nghìn m2; TP Hải Phòng hơn 570 nghìn m2; Bắc Ninh hơn 490 nghìn m2; Hưng Yên hơn 341 nghìn m2; Đồng Nai hơn 328 nghìn m2; Hà Nam hơn 319 nghìn m2…

Số lượng công trình xanh tại Việt Nam dù đã tăng lên đáng kể hằng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hằng năm thì con số này còn khá khiêm tốn, đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới. Việc phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.

Theo kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế với điều kiện Việt Nam. Vì vậy, trên cơ sở lựa chọn và nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, Việt Nam cần xem xét các điều kiện tương đồng để chọn cho mình một hướng đi phát triển công trình xanh thích hợp.

Hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đều nhất quán quan điểm và mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, sự dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo sức khỏe con người. Cùng với xu hướng chuyển đổi xanh của thế giới sau COP 26, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng đã xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh, phát thải thấp và tiến tới trung hòa các bon như mục tiêu đến 2050 mà Chính phủ đã cam kết. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm và những hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả của tất cả các bên liên quan.

Phương Thúy

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-co-tong-so-476-cong-trinh-xanh-92259.html