Việt Nam khẳng định cam kết thúc đẩy quyền dân sự, chính trị theo công ước quốc tế
Tại phiên họp với Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đoàn Việt Nam đã trình bày 'bức tranh tổng thể' của sự phát triển toàn diện, nhanh chóng trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam.
Trong hai ngày (7 và 8/7), tại Geneva (Thụy Sỹ), Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tổ chức Phiên họp đánh giá Báo cáo quốc gia lần thứ tư của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR).
Đoàn liên ngành của Việt Nam, gồm các thành viên đến từ các cơ quan có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện Công ước ICCPR, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm trưởng đoàn, đã tham dự phiên họp.
Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân.
Gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24/9/1982, Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân.


Toàn cảnh phiên họp với Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Báo cáo quốc gia lần thứ tư về việc thực thi Công ước ICCPR của Việt Nam (nộp tháng 3/2023) đã thể hiện rõ sự phát triển toàn diện trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền dân sự và chính trị kể từ sau khi nộp báo cáo lần thứ ba vào năm 2019, đồng thời khẳng định việc tuân thủ các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với chủ trương coi con người là trung tâm, là mục tiêu và động lực của quá trình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người và đạt được nhiều thành tựu trên thực tế.
Các quyền về tiếp cận công lý, bình đẳng trước pháp luật, quyền sống, bảo vệ sức khỏe, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt.
Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên Hợp Quốc xếp hạng liên tục được cải thiện.
Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19, tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh (giữa) và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva Mai Phan Dũng (phải). (Ảnh: TTXVN)
Việc tham dự phiên họp của Ủy ban Nhân quyền lần này thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình thực thi các cam kết quốc tế.
Cuộc đối thoại tại phiên họp cũng giúp Ủy ban Nhân quyền và các quốc gia thấy rõ bức tranh tổng thể của sự phát triển toàn diện, nhanh chóng trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam.
Đối với một số ý kiến dựa trên những nguồn tin chưa được kiểm chứng của một số tổ chức, cá nhân về tình hình thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam, đoàn Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thông tin xác thực, nhấn mạnh nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt.