Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Doanh nghiệp 'hướng ngoại', cùng đất nước vươn mình
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện năng lực cạnh tranh và hướng tới các thị trường nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, việc các doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong nước mà còn giúp gia tăng sức mạnh, vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
“Khai phá” các thị trường tiềm năng
Những năm gần đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đạt được kết quả đáng khích lệ và ngày càng có nhiều doanh nghiệp hướng tầm mắt ra thế giới để tìm kiếm những “miền đất hứa” cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong 10 tháng năm 2024, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài có 124 dự án mới, với tổng vốn đầu tư đạt 473,1 triệu USD (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023); các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 15 ngành và có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.
Lũy kế đến tháng 10 năm 2024, Việt Nam đã có 1.789 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 22,4 tỷ USD. Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,8%); Campuchia (13,1%); Venezuela (8,1%);...
Những con số nói trên tất nhiên vẫn còn khiêm tốn nhưng vẫn được coi là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục vươn ra bên ngoài lãnh thổ đất nước. Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam có những dự án đầu tư tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ Latin.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam chủ yếu đến từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thông qua các dự án có quy mô vốn lớn thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư và gặt hái thành công tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, điển hình như Vingroup, FPT, TH hay Vinamilk. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ, dầu khí, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo tới khai khoáng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, vận tải kho bãi...
Quan trọng hơn cả là nhiều dự án đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận và giúp chính doanh nghiệp phát triển, cùng với đó là đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như các quốc gia sở tại nơi họ triển khai hoạt động đầu tư.
Khi đã đạt được những thành công nhất định và “bám rễ” tại các thị trường đầu tư truyền thống, một số doanh nghiệp Việt Nam đang muốn chứng tỏ sức vươn lên mạnh mẽ của mình bằng cách tìm tòi các ngành nghề kinh doanh mới, tiếp cận và “khai phá” những thị trường tiềm năng mới.
Theo dấu chân các doanh nghiệp tiên phong
Sau thành công của những doanh nghiệp được coi là tiên phong trong hoạt động đầu tư quốc tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến hoặc đang ấp ủ ước mơ chinh phục các thị trường tiềm năng ở nước ngoài.
Chỉ mới trong năm nay thôi, Tập đoàn TH đã khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa có tổng vốn đầu tư 19 tỷ rub (hơn 5.200 tỷ đồng) tại vùng Viễn Đông (Liên bang Nga), từ đó tiến gần hơn tới việc hiện thực hóa mục tiêu đầu tư 2,7 tỷ USD ở thị trường này. Trong khi đó, Tập đoàn FPT đã mua 100% vốn của công ty dịch vụ công nghệ thông tin Nhật Bản Next Advanced Communications (NAC)-thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) đầu tiên của FPT tại thị trường Nhật Bản, đồng thời mở thêm các chi nhánh mới ở thị trường nước ngoài.
Khi nhắc đến thành công của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư làm ăn ở nước ngoài, chắc chắn phải nhắc tới Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel). Ngay từ năm 2006, tức là chỉ hai năm sau khi kinh doanh dịch vụ di động trong nước, Viettel bắt đầu hành trình vươn ra thị trường quốc tế bằng chiến lược “phổ cập dịch vụ viễn thông” tại Campuchia với việc cho ra đời thương hiệu Metfone tại thị trường này. Đến nay, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn tại nhiều quốc gia với giá trị thương hiệu đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, giữ vị thế dẫn đầu về thị phần thuê bao di động tại 7/10 thị trường quốc tế mà tập đoàn đầu tư, với các thương hiệu Metfone (Viettel tại Campuchia), Unitel (tại Lào), Telemor (tại Timor-Leste), Lumitel (tại Burundi), Natcom (tại Haiti), Mytel (tại Myanmar) và Movitel (tại Mozambique). Viettel cũng là thương hiệu viễn thông duy nhất của Đông Nam Á có mặt trên bảng xếp hạng Global 500 của Brand Finance. Với doanh thu từ hoạt động đầu tư nước ngoài vượt ngưỡng 3 tỷ USD, Viettel duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 7 năm liên tiếp và mỗi năm đem lại nguồn thu ngoại tệ chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Đào Xuân Vũ cho biết, thời gian qua, nhiều quốc gia ở khu vực châu Mỹ Latin và châu Phi bày tỏ mong muốn mời Viettel khảo sát đầu tư.
Thành công của những doanh nghiệp được coi là “đi trước mở đường” như Viettel đem tới những kinh nghiệm quý giá cho các doanh nghiệp đang muốn hướng tới các thị trường nước ngoài. Đó là tầm nhìn chiến lược và triết lý kinh doanh phù hợp, là chính sách gắn liền với nhu cầu về việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bản địa. Một trong những ví dụ điển hình là khi Viettel đến Burundi, gần 80% hộ gia đình ở đất nước 10 triệu dân này không có ti vi và 98% dân số chưa từng sử dụng internet. Nhưng với sự xuất hiện của thương hiệu Lumitel, internet đã phủ sóng 18/18 tỉnh, thành phố của Burundi. Hay như ở thị trường Peru, Viettel thắng thầu giấy phép viễn thông nhờ thực hiện điều mà không một hãng viễn thông nào khác sẵn sàng làm: Cung cấp internet miễn phí cho hơn 4.000 trường học. Suốt 10 năm kinh doanh tại đây, Viettel vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh xuyên suốt, đó là phụng sự người dân ở cả những vùng khắc nghiệt.
Cũng cần nói thêm rằng, để có thể vươn ra thế giới, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp còn cần tới sự hỗ trợ hiệu quả từ các cơ chế, chính sách liên quan để doanh nghiệp có thể tiếp cận và đề ra những chiến lược kinh doanh phù hợp với mỗi quốc gia mà họ đặt chân tới, nhất là khi các thị trường nước ngoài ngày càng đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe.
Tiến ra thị trường nước ngoài có lẽ là mong muốn của bất kỳ doanh nghiệp nào. Khi được trao cơ hội, mỗi doanh nghiệp sẽ trở thành một nguồn lực đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước và hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.