Việt Nam kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển
Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu hải cảnh hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết phản đối và kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của mình.
Chiến lược từng bước độc chiếm Biển Đông
Theo dữ liệu từ trang Marine Traffic, tàu hải cảnh Haijing 5901 của Trung Quốc, một trong những tàu lớn nhất của hải cảnh Trung Quốc dài 165m và với lượng giãn nước 12.000 tấn, ngày 20-2 đã tiến hành tuần tra tại vị trí gần bãi Tư Chính của Việt Nam và hiện diện tại khu vực này trong nhiều ngày. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa tàu vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Gần đây nhất, hồi đầu tháng 5-2023, Trung Quốc cũng từng điều tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 cùng tàu hải cảnh hộ tống và một số tàu cá tiếp cận khu vực bãi Tư Chính. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối và đến đầu tháng 6-2023, nhóm tàu này đã rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Khu vực bãi Tư Chính, mà Trung Quốc gọi là “bãi Vạn An”, thực chất là bãi ngầm thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. UNCLOS quy định vùng đặc quyền kinh tế nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Từ góc độ địa lý, khu vực bãi Tư Chính nằm cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dưới 200 hải lý, trong khi nằm cách xa lục địa Trung Quốc tới trên 600 hải lý. Vì vậy, theo UNCLOS, khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
UNCLOS cũng quy định các quốc gia ven biển phải tham gia Công ước và chính thức tuyên bố thì mới được hưởng các quy chế pháp lý của vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Ngày 12-5-1977, Việt Nam đã tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của mình và cũng đã cụ thể hóa trong Luật Biển Việt Nam năm 2012. Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý để có thể xác lập quyền chủ quyền và quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế của mình theo luật pháp quốc tế, trong đó có bãi Tư Chính. Việc Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK tại khu vực này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo UNCLOS.
Là thành viên UNCLOS nhưng Trung Quốc lại cho mình có “quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong yêu sách “đường chín đoạn”, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông, trùm lên cả khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. Tuy nhiên, những khái niệm mà Trung Quốc tự đưa ra như “các vùng nước liền kề”, “vùng biển liên quan” để tuyên bố chủ quyền với các khu vực ở Biển Đông hoàn toàn không có trong luật pháp quốc tế. Hay như cụm từ “vùng biển lịch sử”, khái niệm mà Trung Quốc thường dựa vào để biện minh cho hành vi xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông, hoàn toàn không theo quy định của UNCLOS.
Tháng 6-2016, Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết rất rõ ràng rằng, dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường chín đoạn”.
Chính vì thế, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu hải cảnh hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm nghiêm trọng UNCLOS. Theo dõi những diễn biến trên Biển Đông trong nhiều thập kỷ qua, có thể thấy đây là chiến lược từng bước độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc dự tính từ lâu, nhằm mục tiêu kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong “Đường lưỡi bò” mà nước này tự đặt ra. Với việc đưa tàu hải cảnh hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc âm mưu biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp, từ đó đòi quyền “cùng khai thác”.
Thượng tôn pháp luật để giải quyết các bất đồng
Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình. Nhưng Việt Nam đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trên cơ sở thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Chính sách nhất quán đó được thể hiện cả trong lời nói và hành động.
Trước việc Trung Quốc đưa tàu hải cảnh hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Liên quan đến vụ tàu hải cảnh Haijing 5901, trong tuyên bố ngày 29-2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Lập trường của Việt Nam đối với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. Theo đó, bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập hoàn toàn phù hợp với UNCLOS 1982”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đồng thời khẳng định: “Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Trong nhiều năm qua, trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đẩy mạnh thông tin truyền thông, trước hết là nêu cao chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển. Chính nghĩa đó được khẳng định bằng những chứng cứ pháp lý và lịch sử xác thực và thuyết phục trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Trên thực địa, các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật. Việt Nam coi duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế
Khẳng định ý chí quyết tâm, chủ trương “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc , nhưng Việt Nam cũng luôn tỉnh táo để đấu tranh nhưng tránh xung đột, đối đầu, mắc mưu các thế lực thù địch. Chúng ta thực hiện chủ trương “thêm bạn bớt thù”, quán triệt phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, phát triển”, vì lợi ích chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.