Việt Nam là 1 trong 21 quốc gia đã thành công thanh toán bệnh mắt hột

Chiều nay (14/4), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam sau hơn 7 thập kỷ bền bỉ, nỗ lực khám, chữa bệnh mắt hột và đẩy lùi căn bệnh truyền nhiễm một thời gây nguy hiểm này ra khỏi cộng đồng.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam trao chứng nhận thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam cho đại diện Bộ Y tế Việt Nam: GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam trao chứng nhận thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam cho đại diện Bộ Y tế Việt Nam: GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Việt Nam thanh toán thành công bệnh mắt hột: Mang lại sự thay đổi thực sự cho sức khỏe của người dân

PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chinh phủ, Với những nỗ lực không ngơi nghỉ của các thầy thuốc Nhãn khoa, của ngành Y tế, sự phối hợp của các ban ngành, của nhân dân, sự hỗ trợ về kỹ thuật, thuốc men, về tài chính của các tổ chức quốc tế, đến nay, mắt hột đã không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Với các căn cứ khoa học, Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận đã thanh toán được bệnh mắt hột trên phạm vi cả nước.

Việt Nam công bố thanh toán bệnh mắt hột cũng chính là thành tựu của ngành Y tế, ngành Mắt và Bệnh viện Mắt Trung ương đã thực hiện theo lời dạy của Bác Hồ năm xưa, hoàn thành di nguyện của Người lúc sinh thời: chữa trị bệnh mắt hột cho nhân dân. Đây cũng là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành Y tế và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

PGS.TS Phạm Ngọc Đông thông tin, theo các tiêu chí đánh giá của quốc tế, tại phiên họp thứ 75 của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương được tổ chức ở Philippines ngày 21/10/2024, WHO đã chính thức công nhận và vinh danh Việt Nam về thành tích thanh toán thành công bệnh mắt hột.

Đây là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam nói chung, ngành y tế nói riêng sau hơn 7 thập kỷ phấn đấu và quyết tâm phòng chống bệnh mắt hột.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu.

Ghi nhận về thành tựu này, TS Saia Ma'u Piukala, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đánh giá: Việc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Chính phủ, nhân viên y tế và cộng đồng trên khắp cả nước. Đây là một ví dụ điển hình về cách các biện pháp can thiệp có mục tiêu, quan hệ đối tác chặt chẽ và nỗ lực bền bỉ có thể mang lại sự thay đổi thực sự cho sức khỏe của người dân.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia trong phát biểu tại sự kiện đã nhấn mạnh: Bệnh mắt hột từ lâu đã là một thách thức lớn đối với ngành y tế ở những quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Theo số liệu của WHO, tính đến năm 2023, số người có nguy cơ mắc bệnh mắt hột trên thế giới đã giảm 7%, từ 125 triệu người vào năm 2022 xuống còn khoảng 115,7 triệu người. Phần lớn trong số đó vẫn đang sinh sống tại các khu vực có tỷ lệ bệnh mắt hột hoạt tính từ 5% trở lên – chủ yếu là những địa bàn có điều kiện vệ sinh môi trường và tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế.

Việt Nam là 1 trong 21 quốc gia đã thành công trong thanh toán bệnh mắt hột.

Việt Nam là 1 trong 21 quốc gia đã thành công trong thanh toán bệnh mắt hột.

Bên cạnh đó, tổng gánh nặng toàn cầu của bệnh quặm do mắt hột – biến chứng nặng nề nhất của bệnh mắt hột – cũng đã giảm từ 1,7 triệu ca năm 2022 xuống còn khoảng 1,5 triệu ca năm 2023. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong nỗ lực toàn cầu phòng chống bệnh mắt hột.

"Cho tới nay, đã có 21 quốc gia trên thế giới được WHO chính thức công nhận thanh toán bệnh mắt hột như một vấn đề y tế công cộng"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết và khẳng định: Hôm nay, chúng ta tự hào khi Việt Nam đã vinh dự trở thành một trong những quốc gia đạt được thành quả quan trọng này.

"Thành công này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bền bỉ, sự đồng lòng và quyết tâm rất lớn của toàn ngành Y tế, của đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành mắt nói riêng và của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nói chung"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương phát biểu.

Phải tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện và quản lý ca bệnh tại cộng đồng

Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao vai trò đầu mối chuyên môn của Bệnh viện Mắt Trung ương trong quá trình triển khai chương trình kiểm soát và thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam, từ công tác giám sát, đào tạo, chỉ đạo chuyên môn, cho tới công tác thu thập, quản lý dữ liệu và phối hợp chặt chẽ với các địa phương.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thanh toán bệnh mắt hột không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan hay lơ là. Thay vào đó, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là phải tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được một cách bền vững, thông qua việc: Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và quản lý ca bệnh tại cộng đồng; Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh mắt hột; Bảo đảm nguồn lực, cơ chế tài chính cho các hoạt động phòng chống, trong đó có chi trả phẫu thuật quặm thông qua bảo hiểm y tế theo đúng quy định hiện hành và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về Bệnh viện Mắt Trung ương và các cơ quan quản lý nhà nước.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam phát biểu.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam phát biểu.

"Đây cũng là nội dung đã được thể chế hóa trong các chính sách của Chính phủ và Bộ Y tế, như Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 5669/QĐ-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn nâng cao năng lực chăm sóc mắt tại cơ sở y tế tuyến huyện; và các quy định về danh mục, quy trình kỹ thuật và thanh toán bảo hiểm y tế cho phẫu thuật quặm"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói thêm.

Cũng nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn trân trọng cảm ơn WHO, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong suốt quá trình triển khai chương trình; địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa đã vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng chống bệnh mắt hột; và đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế từ trung ương đến cơ sở đã tận tụy, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

GS.TS Trần Văn Thuấn cũng ghi nhận và biểu dương sự đóng góp quan trọng của Bệnh viện Mắt Trung ương và toàn ngành mắt Việt Nam – những người đã và đang cống hiến không mệt mỏi trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

"Thành công hôm nay là niềm tự hào chung của ngành Y tế Việt Nam và cũng là động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu, hướng tới mục tiêu bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam.

WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bằng mọi cách có thể

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân gây bệnh mắt hột chủ yếu do vệ sinh không đảm bảo, nhiều thành viên gia đình ở cùng trong không gian chật chội, khả năng tiếp cận nguồn nước không đầy đủ, không sạch, khả năng tiếp cận và sử dụng hệ thống vệ sinh không đầy đủ…

Bà đã bày tỏ vui mừng khi được cùng Việt Nam kỷ niệm thành tựu đáng tự hào trong việc loại bỏ bệnh mắt hột ra khỏi vấn đề sức khỏe cộng đồng. Thành công này phản ánh nhiều thập kỷ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, của các dịch vụ chăm sóc mắt tích hợp, việc cải thiện nước sạch và vệ sinh, cũng như sự tham gia của cộng đồng.

Vì một tương lai không còn bệnh mắt hột, TS Angela Pratt đề nghị Việt Nam triển khai thực hiện 3 hành động quan trọng trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần duy trì bền vững kết quả này bằng cách tiếp tục sử dụng những công cụ đã mang lại thành công, như giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt cho những người đã bị nhiễm bệnh mắt hột, đồng thời tiếp tục tiếp cận dịch vụ nước sạch và vệ sinh tại cộng đồng – những dịch vụ này không chỉ đảm bảo phòng bệnh mắt hột mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác;

Thứ hai, cần đảm bảo chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho mọi người, ở mọi nơi trên khắp đất nước Việt Nam;

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế trao Kỷ niệm chương "Vì Sức khỏe nhân dân" cho các cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân tại Việt Nam.

Thứ ba, hãy tận dụng động lực có được từ việc thanh toán bệnh mắt hột để đẩy nhanh việc thanh toán các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác.

"Trong toàn bộ hành trình đó, WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bằng mọi cách có thể"- bà Angela Pratt nói và nhấn mạnh: Chiến thắng của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại bệnh mắt hột là minh chứng cho hiệu quả thanh toán bệnh tật - bằng các phương pháp tiếp cận đa ngành, xuyên suốt và các công cụ dựa trên bằng chứng của WHO.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-la-1-trong-21-quoc-gia-da-thanh-cong-thanh-toan-benh-mat-hot-169250414175743994.htm