Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 12 châu Á

Các nỗ lực hội nhập kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn FDI góp phần củng cố vị thế Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 12 châu Á.

Tăng trưởng song vẫn bảo đảm các cân đối vĩ mô

Báo cáo mới đây của Seasia Stats cho biết Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 tại châu Á vào năm 2025 với quy mô GDP dự kiến đạt 506 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối vĩ mô quan trọng.

Trong bảng xếp hạng của Seasia Stats, Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất châu Á, theo sau là Nhật Bản và Ấn Độ. Đáng chú ý, trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia đứng trong top 5 với quy mô GDP ước đạt 1.500 tỷ USD.

Đáng chú ý, bản tin của Seasia ngày 17/3/2025 cho biết thêm, Việt Nam hiện là một trong 5 nước ASEAN cung cấp quyền cư trú cho nhà đầu tư. Mặc dù Việt Nam không có chương trình thị thực vàng chính thức, nhưng vẫn cung cấp các lựa chọn cư trú hấp dẫn thông qua thị thực nhà đầu tư Việt Nam. Chương trình này cho phép công dân nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam trong tối đa 5 năm, với bốn loại thị thực có sẵn: DT1, DT2, DT3 và DT4. Mặc dù thời gian lưu trú ban đầu bị hạn chế, người sở hữu thị thực có thể gia hạn thời gian lưu trú lên đến 10 năm thông qua thẻ thường trú Việt Nam, thẻ này cũng cấp quyền cư trú cho các thành viên gia đình trực hệ của người nộp đơn.

Xuất khẩu luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Ảnh minh họa

Xuất khẩu luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam. Ảnh minh họa

Sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam cho thấy những bước tiến vững chắc trong chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt các cơ hội được mở ra từ các hiệp định thương mại đa phương và song phương.

Thời gian qua, Việt Nam được coi là một ví dụ, một hình mẫu cho thành công trong đẩy mạnh xuất khẩu với việc duy trì trong nhiều năm liên tiếp tốc độ xuất khẩu đạt 2 con số cũng như đà tăng trưởng ổn định, kể cả trong đại dịch Covid-19.

Xuất khẩu với việc thực hiện nhiều chính sách linh hoạt, chủ động đã thực sự trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đồng thời đóng vai trò tích cực trong việc đem lại sức sống, diện mạo cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh phức tạp của kinh tế thế giới. Các số liệu sơ bộ cho thấy từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 82,29 tỷ USD, tăng 6,3% tương ứng tăng 1,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2024.

Tận dụng lợi thế từ các FTA

Sự tăng trưởng ổn định của bức tranh xuất khẩu nói riêng và xuất nhập khẩu nói chung của Việt Nam còn đến từ việc chủ động triển khai các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên cũng như đẩy nhanh tiến độ đàm phán thực chất FTA với khu vực các đối tác tiềm năng như Israel, UAE, các khu vực như Cộng đồng thị trường Nam Mỹ MERCOSUR, EFTA…

Việc khai thác tốt các FTA đem lại những dư địa thị trường cho hàng hóa Việt Nam có thể được thấy rõ qua việc thực thi 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Tăng trưởng đến các thị trường FTA của Việt Nam những năm qua đều duy trì 2 con số, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường mới có FTA cũng rất ấn tượng.

Việc tham gia các thỏa thuận hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế đa tầng nấc, nhất là 17 hiệp định thương mại tự do đã gắn kết Việt Nam với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu; góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện.

Năm 2025, triển vọng kinh tế Việt Nam được dự báo rất tích cực. Thu hút FDI sẽ vẫn tăng mạnh nhờ vào vị trí chiến lược của Việt Nam, lực lượng lao động trẻ và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện. Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong các ngành hàng điện tử, dệt may và nông sản. Phát triển kinh tế số được mở rộng với sự gia tăng ứng dụng các công nghệ số và thương mại điện tử...

Những thành tựu về tăng trưởng kinh tế cũng như duy trì đà xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua còn mang dấu ấn của đường lối ngoại giao kinh tế năng động thực chất của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành chức năng mà chủ công ở đây là Bộ Công Thương. Ngoại giao kinh tế ngày càng được triển khai bài bản và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, đồng thời mở ra cơ hội bứt phá cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Riêng trong năm 2024, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước đã triển khai hơn 700 hoạt động ngoại giao kinh tế xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; hỗ trợ địa phương quảng bá giới thiệu, kết nối, thiết lập quan hệ với các đối tác nước ngoài, với hơn 400 hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của các địa phương trong và ngoài nước, trong đó hỗ trợ các tỉnh, thành phố ký kết 130 thỏa thuận với các đối tác quốc tế.

Trong bài viết mới đây "Vươn mình trong hội nhập quốc tế", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, hội nhập kinh tế được xác định là trung tâm của hội nhập quốc tế, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế với ưu tiên hàng đầu là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số. “Cần tận dụng hiệu quả các cam kết, thỏa thuận, liên kết kinh tế quốc tế, nhất là các FTA thế hệ mới, để tăng cường đan xen lợi ích, không để phụ thuộc vào một số ít đối tác”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-la-nen-kinh-te-lon-thu-12-chau-a-381330.html