Việt Nam nhấn mạnh cam kết trong thực thi Công ước ICCPR

Việt Nam luôn hết sức coi trọng và nghiêm túc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ trong khuôn khổ các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, bao gồm ICCPR.

Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (ngồi giữa) phát biểu tại một phiên thảo luận. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (ngồi giữa) phát biểu tại một phiên thảo luận. (Ảnh: Anh Hiển/TTXVN)

Trong hai ngày 7 và 8/7, Đoàn Việt Nam với đại diện của 9 cơ quan gồm Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Văn phòng Chính phủ sẽ tham dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền tại Geneva, Thụy Sĩ.

Nhân sự kiện này, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva.

Đại sứ Mai Phan Dũng chia sẻ: “Trong thời gian qua, Việt Nam luôn kiên định với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước, đồng thời tham gia đóng góp vào các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển chung của thế giới, bao gồm vấn đề bảo vệ quyền con người. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực, mục tiêu cho sự phát triển, qua đó có nhiều chính sách thực chất, toàn diện để cải thiện cuộc sống của người dân, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trên cơ sở đó, Việt Nam luôn hết sức coi trọng và nghiêm túc thực hiện các cam kết, nghĩa vụ trong khuôn khổ các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, bao gồm ICCPR."

Cũng theo Đại sứ Mai Phan Dũng, trên tinh thần cởi mở, có trách nhiệm, Việt Nam đã tiếp thu và triển khai các khuyến nghị phù hợp, chủ động cung cấp thông tin, xây dựng và trình bày các báo cáo quốc gia, trao đổi với các thành viên Ủy ban Công ước.

Bên cạnh đó, trong quá trình đối thoại, Việt Nam cũng tích cực chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn tốt của quốc gia, thúc đẩy các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế và đã nhận được sự nhìn nhận tích cực, đánh giá cao từ bạn bè và đối tác. Có thể thấy, thông qua các hoạt động trao đổi, hợp tác với Ủy ban Nhân quyền cũng như các Ủy ban Công ước khác, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ quý báu từ các đối tác, góp phần thúc đẩy thực chất công tác đảm bảo quyền con người ở trong nước, đồng thời phát huy tiếng nói, củng cố uy tín, vị thế của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, bao gồm Hội đồng Nhân quyền.

Với sự tín nhiệm từ bạn bè quốc tế như vậy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong các kỳ ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc. Trong bối cảnh hệ thống đa phương hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có về nguồn lực cũng như về lòng tin chiến lược, Việt Nam luôn tin tưởng, ủng hộ hệ thống đa phương với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc đóng góp tích cực vào các nội dung mà Hội đồng Nhân quyền đang xử lý, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, đối thoại cởi mở nhằm đóng góp vào quá trình cải tổ Hội đồng Nhân quyền cũng như Liên hợp quốc, góp phần giúp tổ chức này nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng các nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh mới, đóng góp cho hòa bình, phát triển và thịnh vượng của nhân loại.

Bên cạnh đó, Đại sứ Mai Phan Dũng cũng nêu những đóng góp cụ thể của Phái đoàn Việt Nam tại Geneva thời gian qua. Ông cho biết: “Kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay, cùng với các cơ quan trong nước, Phái đoàn đã tích cực chủ động tham gia các hoạt động một cách có trách nhiệm vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, nỗ lực cũng các nước xây dựng đồng thuận. Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác về quyền con người xuyên suốt trong giai đoạn qua. Những nỗ lực, đóng góp của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao. Tuần trước, bên lề khóa họp lần thứ 59 Hội đồng Nhân quyền, Phái đoàn đã tổ chức thành công hội thảo với tên gọi Chuyển đổi lương thực trong bối cảnh Biến đổi Khí hậu."

Tại các khóa họp trước của nhiệm kỳ này, Việt Nam đã thúc đẩy và triển khai nhiều sáng kiến như Sáng kiến Nghị quyết Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận, với 121 nước đồng bảo trợ; Nghị quyết về Biến đổi Khí hậu và quyền con người, tập trung vào chủ đề đảm bảo quyền con người trong quá trình chuyển đổi công bằng trong bối cảnh Biến đổi Khí hậu do Nhóm nòng cốt gồm Việt Nam chủ trì giới thiệu, cùng với Bangladesh, Philippines, đã được Hội đồng Nhân quyền đã thông qua bằng đồng thuận; tại Khóa 59 Hội đồng Nhân quyền đang diễn ra, Việt Nam nằm trong Nhóm nòng cốt Nhân quyền về Biến đổi Khí hậu cùng Bangladesh và Philippines, thúc đẩy nội dung liên quan đến tài chính khí hậu; đồng thời Việt Nam cũng nằm trong nhóm nòng cốt Nhân quyền về hợp tác kỹ thuật, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cùng các nước khác.

 Chào đón học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Chào đón học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ trì đưa ra nhiều sáng kiến khác tại Hội đồng Nhân quyền nhằm thúc đẩy việc bảo đảm quyền con người, nhất là các phát biểu chung về các vấn đề tiêm chủng và quyền sức khỏe, bảo đảm bình đẳng giới, triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự trong xung đột vũ trang, Biến đổi Khí hậu và quyền con người, đảm bảo quyền lương thực… Các sáng kiến trên nhận được sự đồng bảo trợ của nhiều nước tại Hội đồng Nhân quyền.

Việt Nam cũng phối hợp với nhiều nước như Mỹ, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Bangladesh, Hà Lan, Philippines, Mexico và các tổ chức quốc tế như Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (Gavi), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thúc đẩy các sáng kiến khác, bao gồm các sự kiện tọa đàm bên lề Khóa họp Hội đồng Nhân quyền về Chống phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc, đảm bảo quyền tiêm chủng và quyền sức khỏe, tích hợp giáo dục nhân quyền vào hệ thống giáo dục quốc dân, chuyển đổi hệ thống lương thực trong bối cảnh Biến đổi Khí hậu và bảo đảm quyền lương thực. Các sự kiện thu hút được nhiều sự tham gia, đóng góp của các nước và các đối tác tại Liên hợp quốc.

Phái đoàn cũng tham gia tích cực trong việc chuẩn bị và trong tiến trình bảo vệ Báo cáo UPR chu kỳ 4 của Việt Nam, diễn ra vào tháng 5 và tháng 9/2024; góp phần vào thành công chung của kỳ bảo vệ báo cáo. Bên cạnh đó, với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền, hằng năm, Việt Nam tham gia tích cực trong vai trò là Troika (nhóm 3 nước) hỗ trợ việc xem xét Báo cáo quốc gia của các nước tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR). Phái đoàn đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước có liên quan để chuẩn bị tốt nhất, không những đáp ứng các yêu cầu về thủ tục mà còn hỗ trợ trong nước chuẩn bị tốt các nội dung đối thoại.

Trong năm 2025, Phái đoàn đã phối hợp với Bộ Nội vụ bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước Liên hợp quốc về không phân biệt đối xử (CRPD) và tới đây sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị cho phiên đối thoại lần thứ 4 với Ủy ban nhân quyền về tình hình thực hiện Công ước về các quyền dân sự và chính trị. Công ước về các quyền dân sự và chính trị được coi là công ước toàn diện và bao quát nhất, bao trùm gần như tất cả các lĩnh vực.

Trên cơ sở thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ trương nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, với sự chuẩn bị nghiêm túc và cầu thị tiếp thu ý kiến khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền từ các kỳ họp trước, cũng như cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân qua nhiều hình thức, Đại sứ Mai Phan Dũng tin tưởng phiên đối thoại sắp tới của Việt Nam tại Ủy ban nhân quyền sẽ đạt kết quả tốt đẹp”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-nhan-manh-cam-ket-trong-thuc-thi-cong-uoc-iccpr-post1048348.vnp