Việt Nam nỗ lực chấm dứt lao động trẻ em thông qua việc trao sinh kế

Các dự án quốc tế tại Việt Nam đã tập trung hỗ trợ sinh kế cho các gia đình dễ bị tổn thương, giúp trẻ em tham gia lao động một cách phù hợp và an toàn theo quy định pháp luật.

Các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em với chủ đề “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” tại Hội trại. (Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN)

Các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em với chủ đề “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” tại Hội trại. (Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN)

Từ năm 2002, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chọn ngày 12/6 hằng năm là ngày Thế giới chống Lao động trẻ em với mục đích vận động người dân trên thế giới quan tâm đến vấn đề lao động trẻ em và cùng nhau hành động để xóa bỏ tình trạng này.

Năm nay, thông điệp của Ngày Thế giới chống Lao động trẻ em là “Chung tay hành động vì cam kết của chúng ta: Chấm dứt lao động trẻ em!”

Những nỗ lực giảm thiểu lao động trẻ em

Báo cáo quốc gia về lao động trẻ em năm 2020 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cho thấy có khoảng hơn 1 triệu trẻ em đang tham gia vào các hoạt động lao động. Trong số này, phần lớn trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

 Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tại trường tình thương Thiên Ân (quận Bình Tân). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tại trường tình thương Thiên Ân (quận Bình Tân). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trẻ em phải lao động sớm tập trung nhiều ở các vùng nông thôn và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi điều kiện kinh tế kém phát triển hơn và cơ hội tiếp cận giáo dục còn hạn chế.

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), tỷ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn cao hơn gần 4 lần so với khu vực thành thị.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động sớm. Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là do nghèo đói; hầu hết các gia đình có trẻ em lao động đều có thu nhập thấp, không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy 70% trẻ em lao động đến từ các gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Nguyên nhân thứ hai là một số trẻ em không thể tiếp tục đi học vì phải giúp đỡ gia đình kiếm sống.

Theo số liệu của UNICEF, hơn 20% trẻ em không được đi học hoặc phải bỏ học sớm.

Để giảm bớt tình trạng lao động trẻ em, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền trẻ em và ngăn chặn tình trạng này. Luật Trẻ em 2016 và Bộ luật Lao động 2019 đều có những quy định nghiêm ngặt về lao động trẻ em.

Luật Trẻ em 2016 quy định rõ về quyền của trẻ em, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi lao động trẻ em và các hình thức bóc lột khác. Luật cũng đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Bộ luật Lao động 2019 cấm hoàn toàn việc sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, trừ một số công việc nhẹ nhàng không ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của trẻ.

Đối với trẻ em từ 15 đến 18 tuổi, luật cũng có những quy định chặt chẽ về thời gian làm việc, loại hình công việc và điều kiện lao động.

Chính phủ Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền trẻ em và chống lao động trẻ em, như Công ước 138 và 182 của ILO.

Bên cạnh đó, các chương trình quốc gia như Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang được triển khai để giảm thiểu tình trạng này, bao gồm các biện pháp hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề và cải thiện điều kiện sống cho gia đình nghèo.

Chính phủ cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm đã có hàng ngàn học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi được cấp học bổng và hỗ trợ học phí giúp các em có cơ hội tiếp tục học tập.

Năm 2023, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã cấp 13.877 suất học bổng trị giá 9,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 17.800 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều trường học, đặc biệt ở các vùng nông thôn và miền núi đã được xây dựng mới hoặc nâng cấp. Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giáo dục và Đào tạo đã góp phần cải thiện điều kiện học tập cho hàng trăm ngàn học sinh.

Trong năm 2023, 272 công trình phục vụ trẻ em được xây mới và nâng cấp.Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng phấn đấu đến năm 2030 là huy động tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi đạt tối thiểu 95%; cấp trung học phổ thông và tương đương đạt tối thiểu 75% nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội học tập ít nhất đến hết cấp trung học cơ sở.

Trao sinh kế

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em đánh giá trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kế trong giải quyết lao động trẻ em, thiết lập một khung pháp lý vững chắc để phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và thực hiện một số chương trình và dự án để giảm thiểu lao động trẻ em tại các cấp trung ương và địa phương.

Theo các chuyên gia, hợp tác quốc tế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, giúp giải quyết nguyên nhân chính của việc gia tăng lao động trẻ em - là nghèo đói.

 Những trẻ em mặc trang phục là người đồng bào dân tộc tiếp cận du khách để chèo kéo mua hàng. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Những trẻ em mặc trang phục là người đồng bào dân tộc tiếp cận du khách để chèo kéo mua hàng. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Các dự án quốc tế đã tập trung hỗ trợ sinh kế cho các gia đình dễ bị tổn thương, giúp trẻ em tham gia lao động một cách phù hợp và an toàn theo quy định pháp luật.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam (ENHANCE), do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam thực hiện tại 3 địa phương là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và An Giang được triển khai từ năm 2015 đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Học lớp 6, em Đặng Văn Huy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) có thể phụ việc nhà và rất thành thạo giúp mẹ trồng nấm bào ngư. Hộ của em Huy là một trong số 13 hộ được hỗ trợ từ Dự án ENHANCE.

Sát nhà Huy là em Nguyễn Thanh Nhân, năm nay học lớp 7, đồng thời được hỗ trợ từ dự án. Anh Nguyễn Minh Hùng (phụ huynh của em Nhân) cho biết: "Tôi thấy dự án này rất thiết thực khi gia đình được hỗ trợ để có thêm thu nhập ổn định. Bởi nấm bào ngư là mô hình có thể khai thác nhiều vụ, dễ trồng và chăm sóc, trừ chi phí ban đầu, thu nhập khoảng 12 triệu đồng/vụ. Nhờ có sự hỗ trợ của dự án mà con tôi được tiếp tục đi học."

Theo ông Võ Quang Huy (cán bộ trẻ em thuộc Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Châu Phú), Dự án ENHANCE mang lại kết quả rất tích cực, bên cạnh giúp đỡ trẻ em về giáo dục, kỹ năng, nhận thức, các hộ gia đình còn được “tiếp sức” để ổn định sinh kế lâu dài.

Chị Đặng Thị Thúy Hiền (45 tuổi, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú năm 2012. Chồng chị Hiền đi làm thời vụ tại các công trường, còn bản thân chị do bị bệnh không đủ sức khỏe lao động nên suốt nhiều năm qua gia đình chị đã phải chật vật để có tiền nuôi con ăn học và chữa bệnh.

Dự án ENHANCE cùng với chính quyền địa phương xã Hương Ngải và Liên minh Hợp tác xã Hà Nội đã đánh giá và lựa chọn gia đình chị Hiền cùng 10 hộ gia đình tham gia vào “Hành trình khoai tây OCOP 4 sao.”

Bắt đầu từ tháng 9/2023, 11 hộ gia đình đã được giao tổng cộng 55 sào đất trồng khoai tây, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật và 90% tài chính cho việc gieo trồng khoai tây, hạt giống và phân bón.

Xuyên suốt hành trình này, ILO và chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ tổ chức tập huấn cho các gia đình và Hợp tác xã Hương Ngải về phương pháp trồng khoai tây hữu cơ, cũng như quản lý tài chính hộ gia đình và hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Hương Ngải trong việc xúc tiến bán nông sản, thiết kế bao bì, tờ rơi, giới thiệu mẫu sản phẩm và tìm kiếm thị trường phù hợp.

Ngày thu hoạch đầu tiên của vụ Đông vào giữa tháng 1/2024, niềm vui được nhân đôi khi khoai tây Hương Ngải chính thức được công nhận OCOP 4 sao. Chị Hiền chia sẻ: “Thu nhập từ canh tác khoai tây đã giúp chúng tôi rất nhiều. Tôi có thêm thu nhập để lo cho việc học tập của các cháu. Tôi rất cảm ơn dự án và hợp tác xã vì sự hỗ trợ này.”

Sau hơn 8 năm, đã có gần 6.000 trẻ em được hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề, 1.600 hộ gia đình được hỗ trợ cải thiện sinh kế, gần 550 trẻ được nhận các hỗ trợ ngoài giáo dục như bảo hiểm y tế, hỗ trợ trẻ hưởng lợi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đối với trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là các bé gái, có nguy cơ cao bỏ học do hủ tục tảo hôn, khó khăn gia đình và bạo lực gia đình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với UNESCO triển khai dự án "Chúng tôi có thể" tại các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận, Sóc Trăng và sẽ mở rộng thêm ở Cao Bằng và Kon Tum.

Sau hơn hai năm thực hiện, hơn 16.000 học sinh dân tộc thiểu số đã được tiếp tục học hành và 4.500 phụ huynh đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giáo dục.

Theo các chuyên gia, trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, với đánh giá tích cực từ ILO. Chỉ còn 1 năm nữa để hoàn thành sáng kiến 8.7 nhằm đóng góp vào Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8 và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 mà Việt Nam là một trong 15 quốc gia tiên phong ở khu vực châu Á.

Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục và lâu dài từ nhiều phía, bao gồm Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cộng đồng, gia đình và chính các em. Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu bảo vệ trẻ em và đảm bảo tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-no-luc-cham-dut-lao-dong-tre-em-thong-qua-viec-trao-sinh-ke-post958456.vnp