Việt Nam nổi lên như một điểm sáng khi duy trì ổn định chính trị, kinh tế - xã hội
Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng
Phát biểu tại tổ thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nhấn mạnh, từ 2022, thế giới bắt đầu bất ổn sau đại dịch, xung đột chính trị lan rộng một số khu vực, bối cảnh phức tạp, khó lường, bất ổn. Nhưng Việt Nam nổi lên như một điểm sáng khi duy trì ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Đại biểu cho rằng, nổi bật của sự ổn định là lạm phát kiểm soát ở mức thấp trong 10 năm qua, từ 2015 đến nay ở khoảng 3%, là điều tuyệt vời. 10 năm trước đó lạm phát 9,3%, có năm vượt trên 20%. "Tôi đánh giá rất cao về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, xuất siêu liên tục mỗi năm khoảng 17 tỷ USD. Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống chính trị, là thành quả đáng tự hào" - ông Trần Hoàng Ngân nói.
Cũng theo đại biểu, kinh tế thế giới thời gian qua có dấu hiệu chững lại, tăng trưởng bình quân chung cả thế giới thấp hơn năm 2023, song cũng theo vị chuyên gia này, trong 9 tháng, Việt Nam đạt tăng trưởng tới 6,82% và ông tin cả năm trên 7%, là kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng 15,4% là thành tựu trong thời điểm chi phí logictic lớn do ảnh hưởng từ xung đột trên thế giới. Kiểm soát giá cả cũng là một nỗ lực trong những năm qua.
Tại tổ thảo luận, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) nhấn mạnh, với những nỗ lực, quyết tâm và lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, đồng hành của Quốc hội, năm 2024, nhất là đến Quý III vừa qua đã đạt được những kết quả khá lạc quan.
Vị đại biểu này cho rằng, quan điểm chú trọng tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng là rất đúng đắn. 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó xuất nhập khẩu gia tăng ấn tượng, chỉ tiêu khó khăn trong những năm qua là năng suất lao động đã đạt được cũng là điều đáng mừng.
Nên có phụ lục so sánh đánh giá của quốc tế về Việt Nam “để biết mình đứng ở đâu, như thế nào”
Dẫn số liệu xếp hạng quốc tế, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP.HCM) cho rằng, có nhiều “chỉ số vui”, như quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 35; an toàn, an ninh mạng rất tốt (thứ 17), chỉ số sáng tạo thứ 44. Cộng với kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội những năm qua cho thấy sự nỗ lực rất lớn, nhất là trong bối cảnh khó khăn thách thức trong nước và thế giới.
Bày tỏ vui mừng với kết quả đạt được, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năng suất lao động còn thấp. Do đó, sắp tới cần rà soát, phân tích rõ để có những giải pháp cụ thể. Hằng năm báo cáo nên có phụ lục so sánh đánh giá của quốc tế về Việt Nam “để biết mình đứng ở đâu, như thế nào”.
Đề cập việc giải ngân đầu tư công vẫn chậm, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Quốc hội sẽ xem xét dùng một luật sửa nhiều luật theo quy trình 1 kỳ họp. Điều này là hợp lý, bởi khi tháo gỡ khó khăn thì sau này không thể nói giải ngân chậm là do vướng thể chế và năm sau đủ cơ chế để xử lý.
Vị đại biểu Đoàn TP.HCM cũng bày tỏ tâm đắc với một trong những bài học kinh nghiệm mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và là nguồn lực động lực quan trọng nhất cho phát triển. “Phải chăm lo cho nguồn lực này. Vậy sắp tới chăm lo thế nào, vì nguồn lực này của chính chúng ta, không đi vay mượn ai. Làm tốt thì tăng số lượng và chất lượng”, ông nói.
Đánh giá cao nhiều chính sách chăm lo cho yếu tố con người thời gian qua, trong đó có xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát; cải cách tiền lương… nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Chính phủ vẫn còn “nợ” công bố mức sống tối thiểu và tiền lương tối thiểu. Ông cũng dẫn báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu dù có quy định nhưng sau 3 năm vẫn chưa có hướng dẫn về “lao động có thu nhập thấp” nên địa phương không triển khai được, đồng thời cho rằng một phần do nguyên nhân không có cơ sở để xác định.
“Thế nào là mức sống tối thiểu? Chính phủ nên cố gắng giữa năm 2025 công bố và dự kiến diễn biến trong 5 năm tới. Một số nước không chỉ công bố mức sống tối thiểu mà còn có mức lương đủ sống cho gia đình 4 người. Chúng ta “nợ” nhiều năm rồi thì năm tới nên xong cái này, từ đó cân đối tính toán, là lo cho con người” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói và đề nghị cần báo cáo về chỉ số phát triển con người Việt Nam, chỉ đạo nghiên cứu xây dựng “chỉ số hạnh phúc” để sau này có đánh giá sự tiến bộ đến đâu và khoảng cách giữa các địa phương thế nào./.