Việt Nam ở đâu trong bức tranh kinh tế 40.000 tỷ USD của châu Á?
Việt Nam nằm trong nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất châu Á, đóng góp đáng kể vào bức tranh chung của kinh tế khu vực nhờ xu hướng bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.
![Việt Nam đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng GDP châu Á. Ảnh: Nam Khánh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51459137/22f695a7a2e94bb712f8.jpg)
Việt Nam đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng GDP châu Á. Ảnh: Nam Khánh.
Nền kinh tế châu Á là sự tổng hòa của các cường quốc sản xuất như Trung Quốc và Hàn Quốc, các trung tâm công nghệ như Ấn Độ, cùng những quốc gia giàu tài nguyên như Saudi Arabia.
Với sự phát triển mạnh mẽ, châu Á tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ then chốt như chất bán dẫn và thiết bị điện tử tiêu dùng.
Biểu đồ dưới đây của Visual Capitalist thể hiện tổng GDP năm 2024 của châu Á và từng quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực, dựa trên dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Dữ liệu không bao gồm Triều Tiên, Sri Lanka, Palestine, Syria, Lebanon và Afghanistan.
![Biểu đồ kinh tế châu Á năm 2024 theo dữ liệu của IMF. Ảnh: Visual Capitalist.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51459137/71eeb9bf8ef167af3ee0.jpg)
Biểu đồ kinh tế châu Á năm 2024 theo dữ liệu của IMF. Ảnh: Visual Capitalist.
Theo đó, tổng quy mô kinh tế của châu Á đạt hơn 40.000 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu khu vực với GDP năm 2024 đạt 18.300 tỷ USD, cao hơn 4 lần nền kinh tế lớn thứ hai là Nhật Bản (4.100 tỷ USD) và hơn 30 quốc gia tiếp theo trong danh sách cộng lại.
Tổng GDP của 3 nền kinh tế hàng đầu gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ chiếm khoảng 66% toàn châu Á. Nếu tính thêm Hàn Quốc và Indonesia, nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực đóng góp tới 74% GDP châu Á.
Mỗi quốc gia lớn trong khu vực đều có động lực tăng trưởng riêng biệt. Trung Quốc duy trì vị thế dẫn đầu nhờ nền sản xuất quy mô lớn, xuất khẩu mạnh mẽ và sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ.
Nhật Bản, mặc dù có dân số già và tốc độ tăng trưởng chậm lại, vẫn giữ vững nền kinh tế nhờ các ngành công nghiệp tiên tiến và một thị trường tiêu dùng mạnh. Trong khi đó, Ấn Độ hưởng lợi từ sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ và dịch vụ, thúc đẩy quy mô GDP ngày càng mở rộng.
Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng nhờ ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao, trong khi Indonesia, với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đang tận dụng tối đa tiềm năng xuất khẩu.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51459137/2e03f852cf1c26427f0d.jpg)
Việt Nam xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng GDP châu Á với quy mô nền kinh tế đạt 468 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 1,18% tổng GDP khu vực. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 đạt 7,09%, cao hơn đáng kể so với mức 5,05% của năm 2023.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 về quy mô GDP, xếp sau Indonesia (1.400 tỷ USD), Singapore (531 tỷ USD), Thái Lan (529 tỷ USD) và Philippines (470 tỷ USD).
Tuy nhiên, Việt Nam dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng, cho thấy tiềm năng phát triển bền vững và khả năng cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ. Thành công này chủ yếu nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam tăng 14,3%, với các mặt hàng chủ lực gồm điện tử, điện thoại, dệt may và sản phẩm nông nghiệp. Thặng dư thương mại đạt 24,77 tỷ USD. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài tăng 9,4%, cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp quốc tế.
Với vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng kinh tế châu Á, Việt Nam đang có những đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của khu vực. Sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất và dòng vốn FDI mạnh mẽ đã giúp Việt Nam khẳng định vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế châu Á.
Hiện, trong kịch bản tăng trưởng từ 8% trở lên, Chính phủ đang đặt mục tiêu quy mô GDP năm 2025 trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người vượt 5.000 USD.